– Thực tiễn xét xử xảy ra trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm từ chối nhận tài liệu, chứng cứ được đương sự giao nộp với lý do Tòa án cấp phúc thẩm đang giải quyết kháng cáo đối với Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án (QĐTĐC).
Theo người viết, trong thời gian tạm đình chỉ hoặc/và trong thời gian Tòa án cấp phúc thẩm xét kháng cáo QĐTĐC thì Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phải có trách nhiệm tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án do đương sự giao nộp.
Tình huống minh họa
Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y thụ lý giải quyết sơ thẩm vụ án tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty A (nguyên đơn) và Công ty B (bị đơn) và tại phiên tòa sơ thẩm Hội đồng xét xử sơ thẩm (HĐXXST) đã ban hành Quyết định tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ (theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015). Hết thời hạn 01 tháng sau khi tạm ngừng phiên tòa, HĐXXST đã tiếp tục ban hành QĐTĐC. Do không đồng ý với căn cứ nêu tại QĐTĐC, nguyên đơn đã kháng cáo và đã được Tòa án tỉnh Y thụ lý giải quyết.
Trong quá trình Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết kháng cáo về QĐTĐC, nguyên đơn có giao nộp thêm các tài liệu, chứng cứ đến Tòa án cấp sơ thẩm cả bằng phương thức trực tiếp và gửi qua bưu điện. Đây là những chứng cứ mà nguyên đơn đã thu thập bổ sung dựa trên căn cứ mà HĐXXST đã tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm và chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án (nhưng không liên quan đến việc giải quyết kháng cáo đối với QĐTĐC của Tòa án án cấp phúc thẩm). Tuy nhiên, Thẩm phán giải quyết vụ án (cũng là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) đã từ chối tiếp nhận việc giao nộp tài liệu, chứng cứ trực tiếp với lý do Tòa án cấp sơ thẩm đã chuyển hồ sơ lên Tòa án cấp phúc thẩm và đồng thời Thẩm phán cũng từ chối nhận tài liệu, chứng cứ này thông qua đường bưu điện (có ghi nhận “người nhận từ chối nhận tài liệu” trong chứng từ của bưu điện).
Việc Tòa án từ chối nhận tài liệu, chứng cứ của đương sự giao nộp hiện có hai quan điểm như sau.
1.Quan điểm thứ nhất, Tòa án cấp sơ thẩm không có trách nhiệm tiếp nhận tài liệu, chứng cứ khi vụ án đang xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm
Quan điểm này của Tòa án huyện X có thể đã dựa trên các căn cứ sau:
Một là, không có quy định trực tiếp nào ghi nhận trách nhiệm của Tòa án phải tiếp nhận tài liệu chứng cứ trong thời điểm này.
BLTTDS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn không có bất cứ quy định nào liên quan đến trách nhiệm tiếp nhận tài liệu, chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm trong thời điểm Tòa án cấp phúc thẩm đang giải quyết kháng cáo đối với QĐTĐC. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm có quyền từ chối tiếp nhận tài liệu, chứng cứ của đương sự khi Tòa án cấp phúc thẩm đang giải quyết kháng cáo đối với QĐTĐC của Tòa án cấp sơ thẩm.
Hai là, trong thời điểm Tòa án cấp phúc thẩm đang giải quyết kháng cáo đối với QĐTĐC, Tòa án cấp sơ thẩm không lưu giữ cũng như quản lý hồ sơ vụ án.
Quy định của pháp luật đã chỉ rõ Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án; kháng cáo, kháng nghị và tài liệu chứng cứ bổ sung kèm theo cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn nhất định (Điều 283 BLTTDS năm 2015[1]). Theo đó, trong thời gian mà Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý giải quyết kháng cáo của đương sự đối với QĐTĐC, Tòa án cấp sơ thẩm không lưu giữ cũng như quản lý hồ sơ của vụ án. Vì vậy, Tòa án không có trách nhiệm (có quyền từ chối) tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp.
2.Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của người viết), tùy vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có trách nhiệm tiếp nhận tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án ngay cả trong thời gian vụ án đang được giải quyết ở cấp phúc thẩm
Quan điểm này dựa trên các lập luận như sau:
Một là, Mặc dù không có quy định trực tiếp nào ghi nhận trách nhiệm của Tòa án phải tiếp nhận tài liệu, chứng cứ (như quan điểm thứ nhất đã nêu), tuy nhiên, cũng không có bất kỳ quy định nào cho phép Tòa án từ chối nhận tài liệu, chứng cứ mà đương sự cung cấp trong trường hợp này.
BLTTDS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn không có bất kỳ quy định nào cho phép Tòa án có quyền từ chối nhận tài liệu, chứng cứ của đương sự với lý do Tòa án cấp phúc thẩm đang giải quyết kháng cáo đối với QĐTĐC. Ngoài ra, Tòa án – với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được làm và thực hiện những quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật quy định; những việc làm của Tòa án luôn phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, quy định của BLTTDS để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Hai là, Việc chuyển hồ sơ, tài liệu chứng cứ tại Điều 283 BLTTDS năm 2015 được quy định để áp dụng tương ứng, phù hợp trong từng trường hợp đương sự kháng cáo Bản án, Quyết định giải quyết toàn bộ/một phần nội dung vụ án hoặc quyết định tố tụng (như QĐTĐC) của Tòa án cấp sơ thẩm.
Theo đó, đối với các quyết định được Tòa án cấp sơ thẩm ban hành trong quá trình giải quyết vụ án bị kháng cáo thì Tòa án cần phải áp dụng một cách linh hoạt, tương ứng và phù hợp với quy định này. Cụ thể, Tòa án cần thiết chỉ phải gửi toàn bộ hoặc chỉ gửi những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo toàn bộ/một phần vụ án. Do đó, trong trường hợp không gửi toàn bộ hồ sơ vụ án thì đương nhiên Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phải lưu giữ một phần hồ sơ vụ án và như vậy, Tòa án hoàn toàn có thể tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ mà đương sự giao nộp nhằm để phục vụ cho việc giải quyết vụ án tiếp theo sau này tại cấp sơ thẩm như trong tình huống minh họa.
Nói cách khác, việc diễn giải quy định của pháp luật trong tình huống minh họa này là đương sự có quyền giao nộp và Tòa án cần phải tiếp nhận tài liệu, chứng cứ. Mặc dù pháp luật không quy định Tòa án cấp nào có trách nhiệm tiếp nhận tài liệu, chứng cứ trong trường hợp này nhưng chúng tôi cho rằng, cần phải dựa vào nội dung và mục đích của việc giao nộp các tài liệu, chứng cứ đó. Cụ thể:
– Nếu các tài liệu chứng có nội dung liên quan đến tranh chấp của các bên và được giao nộp nhằm tiếp tục giải quyết vụ án sau đó thì Tòa án thích hợp nhất để tiếp nhận là Tòa án cấp sơ thẩm – cụ thể như tại tình huống minh họa của bài viết;
-Ngược lại, Tòa án cấp phúc thẩm đang xem xét kháng cáo đối với QĐTĐC và chỉ xem xét các vấn đề liên quan đến Quyết định này [2]. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm là nơi thích hợp để tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ có liên quan và được cung cấp để phục vụ cho việc giải quyết kháng cáo đối với chính QĐTĐC đó.
Ba là, QĐTĐC bị kháng cáo nên chưa có hiệu lực pháp luật, do đó, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn có trách nhiệm tiếp tục giải quyết vụ án.
Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành QĐTĐC nhưng quyết định này đã bị kháng cáo và đang được giải quyết tại Tòa án cấp phúc thẩm nên đương nhiên QĐTĐC này chưa có hiệu lực pháp luật – Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục giải quyết vụ án. Các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn trong tình huống thực tiễn giao nộp là để đáp ứng đúng căn cứ ban hành Quyết định tạm ngừng phiên tòa. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm lại càng phải có trách nhiệm tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ nêu trên.
Mặt khác, ngay cả khi QĐTĐC có hiệu lực thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án vẫn phải có trách nhiệm về việc giải quyết vụ án (khoản 4 Điều 215 BLTTDS năm 2015) và việc tạm đình chỉ là tạm ngừng giải quyết vụ án trong một thời gian nhất định nhưng vẫn là “trong quá trình giải quyết vụ án” (Mục 3 Phần III Công văn 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử). Vì thế, trách nhiệm tiếp nhận tài liệu, chứng cứ về việc giải quyết vụ án đương nhiên không thể nằm ngoài trách nhiệm giải quyết vụ án của Tòa án.
Tòa án giải quyết vụ án dân sự đều nhằm hướng đến đảm bảo quyền và lợi ích của các bên đương sự, do đó, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là rất quan trọng, đặc biệt quy định tại Điều 3 BLTTDS năm 2015 về “tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự” và “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” tại Điều 5 BLTTDS năm 2015 – đây chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động tố tụng dân sự của các chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng. Tòa án các cấp phải có trách nhiệm tiếp nhận các tài liệu, chứng cứ phù hợp mà đương sự giao nộp trong thời gian tạm đình chỉ hoặc/và trong thời gian Tòa án cấp phúc thẩm đang giải quyết kháng cáo đối với QĐTĐC.
Trên đây các quan điểm về tình huống giải quyết án trong thực tế, rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của quý độc giả./.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino