Phạm tội Cướp tài sản có tổ chức bị xử lý như thế nào ?

0
333

Trong xã hội hiện nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra ngày càng nhiều. Điển hình có thể kể đến các loại tội phạm xâm phạm sở hữu về tài sản. Trong đó tội cướp tài sản đã và đang là một tội phát triển nhanh và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy trường hợp phạm tội cướp tài sản có tổ chức thì bị xử lý như thế nào?

Phạm tội cướp tài sản có tổ chức là gì?

Phạm tội có tổ chức là gì?

Định nghĩa về phạm tội có tổ chức được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS): “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.

Với định nghĩa phạm tội có tổ chức được quy định như trên, có thể thấy định nghĩa này có liên quan với định nghĩa đồng phạm.

Theo đó, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Hiện nay, đồng phạm được phân thành 4 dạng, cụ thể như sau:

  • Người tổ chức: Đồng phạm trong vai trò là người tổ chức, là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, đưa ra kế hoạch thực hiện hành vi phạm tội. Người tổ chức có thể có những hành vi như: khởi xướng việc phạm tội, vạch kế hoạch thực hiện tội phạm,…
  • Người thực hành: Đồng phạm trong vai trò là người thực hành, tức là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Người thực hành là người có vai trò quyết định việc thực hiện tội phạm.
  • Người xúi giục: Đồng phạm trong vai trò là người xúi giục, cụ thể là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tiến hành thực hiện hành vi phạm tội mà không có hành vi xúi giục này chưa chắc hoặc có thể hành vi phạm tội chưa xảy ra luôn và ngay hoặc không diễn ra sớm hơn.
  • Người giúp sức: Đồng phạm trong vai trò người giúp sức là việc tạo các điều kiện tinh thần hoặc điều kiện vật chất cho những người khác thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, có thể hiểu phạm tội có tổ chức là một hình thức đồng phạm đặc biệt. Khác với đồng phạm, phạm tội có tổ chức ngoài việc có những dấu hiệu của đồng phạm thông thường thì đồng phạm có tổ chức còn có đặc điểm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội.

Phạm tội cướp tài sản có tổ chức là gì?

Từ khái niệm phạm tội có tổ chức, có thể hiểu phạm tội cướp tài sản có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc cướp tài sản, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, cướp tài sản là một trong các tội xâm phạm về quyền sở hữu. Một người được xác định có hành vi cướp tài sản khi có hành vi dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể được quy định tại Điều 168 BLHS: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm

Phạm tội cướp tài sản có tổ chức là một hành vi đồng phạm mang tính đặc biệt hơn đồng phạm trong tội cướp tài sản. Nếu như hình thức đồng phạm trong tội cướp tài sản có thể hiểu đơn giản là nhiều người cùng thực hiện các hành vi cấu thành tội cướp tài sản thì đối với hành vi phạm tội có tổ chức có tính chất phức tạp, tinh vi hơn, cụ thể là có sự cấu kết, liên kết chặt chẽ giữa những người phạm tội trong xuyên suốt quá trình gây án.

Các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản có tổ chức

Các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản có tổ chức tương tự với cấu thành tội cướp tài sản. Tuy nhiên, về chủ thể và mặt khách quan, tội cướp tài sản có tổ chức được pháp luật quy định khác so với tội cướp tài sản

Chủ thể

Trong các vụ án cướp tài sản có tổ chức, tùy thuộc vào quy mô mà có thể có những người giữ những vai trò khác nhau như: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức. Và phải đáp ứng điều kiện là đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Những cá nhân trong tổ chức thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản đảm nhiệm các vai trò khác nhau, hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện và cơ hội về mặt không gian, thời gian, công cụ thực hiện hành vi phạm pháp,..

Khách thể

Tội cướp tài sản xâm phạm đến quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân, nói cách khác, tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể. Khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì chủ thể phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được.

Đối tượng tác động của tội cướp tài sản là các tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự, cụ thể bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội cướp tài sản được thể hiện ở hành vi chiếm đoạt tài sản, bằng các thủ đoạn, hành vi:

  • Hành vi dùng vũ lực: hành vi dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất (có vũ khí hoặc công cụ, phương tiện khác) để chủ động tấn công người quản lý tài sản hoặc người khác. Hành vi này có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị tấn công và làm họ mất khả năng chống cự lại.
  • Hành vi đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc: là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm cho người bị tấn công tin rằng người phạm tội sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu không giao tài sản.
  • Hành vi làm người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được được hiểu là hành vi cho người bị tấn công tuy biết sự việc đang xảy ra; nhưng không có cách nào chống cự được; hoặc tuy không bị nguy hại đến tính mạng, sức khỏe nhưng không thể nhận thức được sự việc đang xảy ra.

Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Mặt chủ quan

Tội cướp tài sản có tổ chức được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp của những cá nhân trong tổ chức thực hiện hành vi phạm tội. Họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm đoạt và mong muốn chiếm đoạt tài sản đó. Giữa những người phạm tội đã thống nhất, lên kế hoạch chuẩn bị phạm tội cho đến khi hoàn thành. Trong quá trình phạm tội, từ khi chuẩn bị đến khi kết thúc, mỗi người phạm tội đều thể hiện thái độ thuần phục trước người tổ chức.

Phạm tội cướp tài sản có tổ chức bị xử lý như thế nào?

Hình thức xử phạt

Phạm tội cướp tài sản có tổ chức là một tình tiết làm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với những người phạm tội so với mức án hình sự chính ban đầu theo quy định tại Điều 52 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Vì vậy, đối với chủ thể phạm tội cướp tài sản có tổ chức thì sẽ chịu hình phạt tù với khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm.

Luật sư tư vấn mức xử phạt đối với tội cướp tài sản có tổ chức

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể mức xử phạt riêng đối với từng người mà chỉ theo tính chất, mức độ, vai trò của từng người trong hành vi phạm tội có tổ chức. Trong đó, mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Mức độ tăng nặng trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào vai trò của từng người tham gia vào tội phạm và quy mô của vụ án. Chính vì vậy, mức hình phạt của những chủ thể trong tổ chức thực hiện tội phạm sẽ phụ thuộc vào mức độ, giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội. Người tổ chức thường là người chịu trách nhiệm hình sự cao nhất trong nhóm tội phạm nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau.

Như vậy, mức xử phạt của tội cướp tài sản có tổ chức sẽ phụ thuộc vào hành vi phạm tội, mức độ và vai trò của từng người trong hành vi phạm tội có tổ chức.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcPhân biệt tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ
Bài tiếp theoAi bảo vệ người tố giác tội phạm?