Nếu công dân Việt Nam đang cư trú tại nước khác vi phạm pháp luật của nước đó, họ có bị pháp luật Việt Nam trừng trị, răn đe hay không?
Quy định của pháp luật Việt Nam về hành vi phạm tội ở nước ngoài
Tại Khoản 1 Điều 6 Bộ luật hình sự 2015 có quy định:
“1. Công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của Bộ luật này.”
Theo đó, đối với một hành vi phạm tội tại nước ngoài, pháp luật hình sự của Việt Nam vẫn sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội, tuy nhiên hành vi đó phải được “Bộ luật này quy định là tội phạm.”
Điều này có nghĩa, cùng là một hành vi, tuy nhiên nếu pháp luật nước khác quy định đó là hành vi phạm tội, nhưng trong Bộ luật hình sự của Việt Nam, hành vi đó không cấu thành tội phạm nào thì vẫn không có căn cứ xử lý
Mặt khác, chẳng hạn hành vi phạm tội của người này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo pháp luật Việt Nam, khi đó giống như bất kỳ tội phạm nào xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, chúng ta cần xem xét các thủ tục tố tụng tại Bộ luật tố tụng hình sự (hiện tại là Bộ luật tố tụng hình sự 2015).
Quy trình tố tụng để kết tội một người phải tra qua các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử,… và căn cứ vào thời hiệu truy cứu, vì vậy nếu hành vi phạm tội và cả người phạm tội đều không ở trên lãnh thổ Việt Nam thì gân như không thể có đủ căn cứ tuyên án với tội phạm.
Các quy tắc quốc tế đối với hành vi phạm pháp trên lãnh thổ quốc gia khác
Pháp luật mỗi quốc gia có những nguyên tắc khác nhau, vì vậy việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này sẽ còn phụ thuộc vào các điều ước quốc tế giữa Việt Nam và nước mà người đó phạm tội.
Việc xử lý tội phạm diễn ra tại nước ngoài còn cần đến sự hỗ trợ của nước bạn thông qua các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và nước sở tại. Theo đó, việc dẫn độ tội phạm giữa hai nước phải bảo đảm phù hợp với những điều khoản đã ghi trong Hiệp định tương trợ tư pháp.
Cụ thể, khi hai nước A và B ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với nhau, công dân của nước A phạm tội trên lãnh thổ nước B mà đáp ứng đủ điều kiện để được dẫn độ thì sẽ được ưu tiên dẫn độ về nước A để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành bản án, quyết định hình sự mà nước B đã tuyên.
Đặc biệt, việc dẫn độ phải đáp ứng điều kiện dẫn độ và không thuộc các trường hợp từ chối dẫn độ cũng thường được quy định trong Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc theo quy định của nước sở tại.
Trong trường hợp không có Hiệp định tương trợ tư pháp, việc tương trợ dẫn độ, hỗ trợ điều tra … sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của các quốc gia trên nguyên tắc có đi có lại (Principle of reciprocity) trong từng trường hợp cụ thể. Nếu nước bạn không dẫn độ người phạm tội, người này sẽ bị xử lý theo quy định và trình tự tố tụng của nước sở tại.
Như vậy, người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài sẽ bị pháp luật Việt Nam xử lý trong trường hợp nước bạn có ký kết các hiệp đình về dẫn độ để đưa người này về Việt Nam tiến hành thủ tục tố tụng, tuy nhiên khi đó hành vi được cho là phạm tội của người này phải được áp dụng bằng pháp luật Việt Nam.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino