Nợ xấu ngân hàng không chỉ là điều mà người vay lo ngại mà nó còn là mối nguy hiểm đối với an toàn hoạt động ngân hàng. Bởi vậy, pháp luật ngân hàng đã có quy định rất chặt chẽ về việc phân loại nợ xấu và xử lý nợ xấu. Cùng tìm hiểu về nội dung đó trong bài viết dưới đây của PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP.
- Nợ xấu là gì?
Căn cứ khoản 8 Điều 3 Thông tư 02/2013/TT-NHNN thì nợ xấu là nợ thuộc các nhóm 3, 4 và 5.
Cũng theo thông tư này, Nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5 là các khoản nợ quá hạn từ 91 ngày trở lên và một số loại nợ khác.
Theo Điều 1 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 42/2017/QH14 thì nợ xấu bao gồm: khoản nợ đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng; khoản nợ xấu mà tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã mua của tổ chức tín dụng.
Theo Điều 2 Phụ lục trên, các hoạt động phát sinh nợ xấu bao gồm:
1. Cho vay.
2. Cho thuê tài chính.
3. Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác.
4. Bao thanh toán.
5. Cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng.
6. Trả thay theo cam kết ngoại bảng.
7. Ủy thác cấp tín dụng.
8. Hoạt động mua bán nợ.
9. Hoạt động mua, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết.
- Xác định nợ xấu.
Nợ xấu xác định theo hai phương pháp định lượng và định tính và thuộc các nhóm 3, 4 và 5. Quy định về các nhóm này như sau:
Nợ nhóm 3, nợ dưới tiêu chuẩn, bao gồm 15 loại khác nhau, trong đó phổ biến, đồng thời cũng điển hình nhất là “nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày” và nợ đã được gia hạn lần đầu;
Nợ nhóm 4, nợ nghi ngờ, bao gồm 16 loại khác nhau, trong đó phổ biến, đồng thời cũng điển hình nhất là “nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày” và nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai;
Nợ nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn, bao gồm 18 loại khác nhau, trong đó phổ biến, đồng thời cũng điển hình nhất là “nợ quá hạn trên 360 ngày” và nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.
Theo các quy định nêu tại Nghị quyết 47/2017/QH14, nợ xấu không nhất thiết phải là nợ quá hạn. Chẳng hạn, nợ đang còn trong hạn, nhưng đã gia hạn đến lần thứ ba (theo định lượng) hoặc được tổ chức tín dụng đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn (theo định tính) thì sẽ bị phân vào nợ nhóm 5 là nợ có khả năng mất vốn (Điểm d khoản 3 Điều 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14). Do vậy, nợ xấu nhóm cao hơn không nhất thiết phải chuyển từ nợ xấu nhóm thấp hơn. Thậm chí đang là nợ nhóm 1 tốt nhất cũng có thể bị chuyển ngay sang nợ xấu nhóm 5 xấu nhất.
- Giải pháp xử lý nợ xấu.
Có thể phân chia thành 4 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu gồm trì hoãn nợ, giảm trừ nợ, bù trừ nợ và thu hồi nợ như sau:
Thứ nhất, trì hoãn nợ.
Đây là nhóm giải pháp xử lý nợ tạm thời, thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, khoanh nợ; chuyển giao nợ cho Công ty quản lý và xử lý nợ (AMC) của chính ngân hàng có nợ xấu; bán nợ tạm thời (mua bán trong một thời hạn nhất định) cho pháp nhân, cá nhân khác; bán nợ không đứt đoạn (chưa thu hồi được tiền ngay và vẫn phải chịu trách nhiệm về khoản nợ) cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); hay còn gọi là việc đảo nợ, giãn nợ, hoãn nợ, gom nợ, nhốt nợ, cô lập nợ, chế biến nợ, dừng thu nợ, bao vây nợ, phong tỏa nợ, đóng băng nợ.
Thứ hai, giảm trừ nợ.
Đây cũng là nhóm giải pháp hạch toán loại trừ một phần hay toàn bộ khoản nợ khỏi sổ sách kế toán, thông qua việc miễn giảm nợ gốc, nợ lãi, phí, tiền phạt và sử dụng dự phòng tín dụng (để giảm nợ gốc), hay còn gọi là giảm nợ, bốt nợ, miễn nợ, xóa nợ.
Nhóm giải pháp này cũng không thu hồi được nợ, mà chỉ là việc gạt bỏ nợ, đồng thời với việc tăng chi phí, giảm lãi, là nhận phần thiệt hại về phía ngân hàng. Trường hợp vẫn tiếp tục thu hồi được nợ sau đó, thì ngân hàng không hạch toán vào khoản thu nợ tín dụng, mà sẽ được tính vào khoản thu nhập khác.
Thứ ba, bù trừ nợ.
Đây là nhóm giải pháp bù trừ nghĩa vụ trả nợ giữa các bên với nhau, trong đó có việc thông qua việc “nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ” trả nợ, hay còn gọi là việc đối trừ, khấu trừ, cấn trừ nợ. Tài sản để bù trừ nghĩa vụ trả nợ có thể là tài sản bảo đảm tiền vay hoặc tài sản khác của người vay, hoặc của người khác. Một dạng nữa cũng có thể gọi là bù trừ nợ, đó là việc chuyển khoản nợ thành vốn góp tại công ty mắc nợ.
Nhóm giải pháp này không trực tiếp mà là gián tiếp thu hồi nợ, bằng cách loại trừ được nợ xấu tương đương với số nợ đã được bù trừ. Trường hợp sau này ngân hàng bán hoặc hưởng lợi từ tài sản, cổ phần nhận bù trừ nợ, mà thu được số’ tiền ít hơn số nợ đã bù trừ, thì coi như là khoản lỗ, khoản đầu tư không hiệu quả đối với hoạt động mua bán tài sản hay đầu tư tài chính của ngân hàng.
Thứ tư, thu hồi nợ.
Đây là nhóm giải pháp thu hồi số tiền đã cho vay, gồm thu tiền trả nợ của người vay hoặc thu tiền trả nợ từ người khác; thu hồi nợ từ việc bán hẳn nợ (bán đứt đoạn, không mua lại); thu hồi nợ từ tiền khai thác, sử dụng, cho thuê và phát mại tài sản bảo đảm; thu hồi nợ thông qua việc thanh lý tài sản khi giải thể, phá sản doanh nghiệp.
Căn cứ pháp lý:
Nghị quyết 42/2017/QH14
Thông tư 02/2013/TT-NHNN
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino