Căn cứ để thu số tiền gốc và tiền lãi trong vụ án cho vay lãi nặng

0
1063

Sau khi nghiên cứu bài viết “Thu ngay tiền gốc, lãi trong vụ án cho vay lãi nặng” của tác giả Song Mai, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả khi cần phải thu số tiền gốc (tiền vay) và tiền lãi trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ngay từ giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, căn cứ mà tác giả đưa ra còn chưa thuyết phục.

Thứ nhất, không thể lấy lý do người vay tài sản được sử dụng số tiền vay lâu hơn mà không cần phải trả lãi làm căn cứ để Cơ quan điều tra thu giữ, tạm giữ số tiền vay từ người vay tài sản được. Chúng ta thấy người vay tài sản đã sử dụng số tiền vay để giải quyết những vấn đề của bản thân trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện chứ không phải đến khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì họ mới sử dụng. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 thì:

“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Như vậy, khi người cho vay và người vay thỏa thuận mức lãi suất vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay thì mức lãi suất này không có hiệu lực và người vay không phải trả lãi cho người cho vay. Trường hợp đã trả lãi thì khi có tranh chấp xảy ra, người cho vay có trách nhiệm phải hoàn trả lại số tiền lãi mà mình đã nhận được từ người vay. Điều này có nghĩa là cho dù trước, trong hay sau thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện, người vay cũng không cần phải trả lãi cho người cho vay. Vì vậy, việc người vay không phải trả lãi cho người cho vay khi Cơ quan điều tra không thu giữ, tạm giữ số tiền vay là điều hợp lý, phù hợp với quy định nêu trên của pháp luật, nên không thể lấy lý do này để thu giữ, tạm giữ số tiền vay từ người vay được.

Thứ hai, thỏa thuận giữa người vay và người cho vay về việc vay tài sản và lãi suất là những thỏa thuận dân sự nên khi có tranh chấp xảy ra liên quan đến thỏa thuận này thì thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án. Cơ quan điều tra không thể áp dụng quy định tại Điều 123 và Điều 137 BLDS năm 2015 để thu giữ, tạm giữ số tiền vay và tiền lãi được do việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra vụ án hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của BLDS năm 2015 và Cơ quan điều tra không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về dân sự theo quy định của BLTTDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015. Do đó, việc lấy quy định tại Điều 123 và Điều 137 BLDS năm 2015 làm căn cứ để Cơ quan điều tra thu giữ, tạm giữ số tiền vay và tiền lãi trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là không phù hợp.

 Căn cứ quy định tại Điều 85, Điều 86, Điều 88 và Điều 89 BLTTHS năm 2015, tôi nhận thấy việc thu giữ, tạm giữ số tiền vay và tiền lãi trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự ngay từ giai đoạn điều tra là hợp lý vì:

– Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, số tiền vay, tiền lãi và lãi suất là những yếu tố then chốt, mang tính chất quyết định đối với cả quá trình giải quyết vụ án vì đây là những yếu tố quan trọng được quy định trong mặt khách quan thuộc cấu thành tội phạm của tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015. Vì vậy, việc thu giữ, tạm giữ những chứng cứ, tài liệu liên quan đến những yếu tố này là rất cần thiết và phải được tiến hành ngay.

– Nếu không kịp thời thu giữ, tạm giữ số tiền vay, tiền lãi thì người vay và người cho vay có thể tẩu tán, tiêu xài dẫn đến gây khó khăn cho việc xử lý vụ án và thi hành án.

– Việc thu giữ, tạm giữ kịp thời số tiền vay và tiền lãi sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đánh giá vụ án được khách quan, toàn diện, nhất là trong việc đánh giá tội danh, điều khoản áp dụng và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Ngoài ra, căn cứ các quy định của pháp luật thì cần xử lý số tiền vay và tiền lãi như sau:

– Đối với số tiền vay: Đây là phương tiện mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội của mình nên cần phải tịch thu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015. Trường hợp người vay chưa trả số tiền vay (bao gồm cả việc chưa có khả năng trả số tiền vay) thì buộc người vay phải nộp lại để tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Việc này được thực hiện như sau:

Sau khi xác định số tiền vay đang do người vay hay người cho vay quản lý, Cơ quan điều tra ra Quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu để thu giữ, tạm giữ số tiền này. Trường hợp không thu giữ, tạm giữ được do đã tẩu tán, tiêu xài hết thì trong Bản án phải buộc người cho vay (trường hợp người vay đã trả), người vay (trường hợp người vay chưa trả) nộp lại số tiền này để tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

– Đối với số tiền lãi trong hạn mức mà pháp luật cho phép: Do đây là tài sản do phạm tội mà có nên cần phải tịch thu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 47 BLHS năm 2015. Việc này được thực hiện như sau: Cơ quan điều tra ra Quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu để thu giữ, tạm giữ số tiền lãi trong hạn mức mà pháp luật cho phép từ người cho vay. Trường hợp không thu giữ, tạm giữ được do đã tẩu tán, tiêu xài hết thì trong Bản án phải buộc người cho vay nộp lại số tiền này để tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

– Đối với số tiền lãi vượt quá hạn mức mà pháp luật cho phép: Do đây là tiền mà người cho vay đã thu lợi bất chính từ người vay nên cần phải trả lại cho người vay theo quy định tại khoản 2 Điều 47 BLHS năm 2015. Việc này được thực hiện như sau: Cơ quan điều tra ra Quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu để thu giữ, tạm giữ số tiền lãi vượt quá hạn mức mà pháp luật cho phép từ người cho vay, sau đó trả lại cho người vay hoặc Cơ quan điều tra hướng dẫn để người cho vay trực tiếp trả lại cho người vay khoản tiền này. Trường hợp đã tẩu tán, tiêu xài hết và không có khả năng trả lại thì trong Bản án phải buộc người cho vay trả lại số tiền trên cho người vay.

Trên đây là quan điểm của tôi đối với tình huống đưa ra, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các đồng chí và quý bạn đọc.

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai) 

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcTội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Bài tiếp theoĐiều 173 BLHS – tội trộm cắp tài sản có các điểm thuộc khoản 1 hay không?