Hoàn thiện quy định pháp luật về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài.

0
449

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay bên cạnh các yếu tố tích cực mang lại thì cũng phát sinh nhiều tiêu cực có yếu tố nước ngoài đòi hỏi các quốc gia phải cùng nhau hợp tác, hỗ trợ về nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự. Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nước mình trên lãnh thổ nước ngoài và ngược lại công dân nước ngoài trên lãnh thổ của mình về hình sự thì ngoài việc tham gia hoặc ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, mỗi quốc gia còn phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp tình hình thực tế và xu thế của thời đại. Không ngoài xu thế đó thì vấn đề hoàn thiện quy định pháp luật Việt Nam về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài cũng không phải là trường hợp ngoại lệ mà cần xây dựng, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tố tụng trong thời kỳ mới.

  1. Thực trạng tình hình
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, đối tượng quản lý lý lịch tư pháp bao gồm cả công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Thông tin về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài hiện nay được cung cấp bao gồm các bản án, trích lục bản án, lý lịch tư pháp… đây là một trong những nguồn cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp và Luật Lý lịch tư pháp thì Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan có trách nhiệm làm đầu mối trong việc tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi các thông tin do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp trong đó có các thông tin về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài cho Bộ Tư pháp để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Cho đến nay, số lượng thông tin Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận được từ nước ngoài theo con đường tương trợ tư pháp và cung cấp cho Bộ Tư pháp (từ năm 2010) với số lượng gần 6.000 thông tin bao gồm các bản án, trích lục bản án, lý lịch tư pháp…của đối tượng là công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Với số lượng trên, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, lập lý lịch tư pháp và đưa vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên 4.000 bản lý lịch tư pháp theo quy định cho số đối tượng nêu trên. Tuy nhiên, về vấn đề này hiện đang có một số vấn đề nổi lên từ thực tế cần chú ý như sau:
Một là: Hiện nay số lượng các điều ước quốc tế song phương, đa phương về hình sự với nước ngoài mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết rất nhiều (trên 30) nhưng mới chỉ có 6 quốc gia cung cấp thông tin cho Bộ Tư pháp từ năm 2010 đến nay. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia, vũng lãnh thổ có công dân Việt Nam sinh sống rất nhiều nhưng chưa có các điều ước quốc tế tương trợ tư pháp về hình sự được ký kết, tham gia. Thông tin trao đổi, cung cấp theo nguyên tắc có đi có lại theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp về lý lịch tư pháp cũng rất hạn chế, có thể nói là không có. Như vậy, có thể nhận ra là thông tin về công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài đã bị tòa án nước ngoài xét xử còn hạn chế, chưa đầy đủ hết được, còn có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ chưa được cung cấp thông tin.
Nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều, nhưng nguyên chính là chúng ta chưa tham gia ký kết các điều ước quốc tế về trương trợ tư pháp hình sự được nhiều với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế đến nay có trên 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới [1] (chúng ta không biết trong số đó có bao nhiêu người còn mang quốc tịch Việt Nam- là công dân Việt Nam), thì dù có cố gắng thế nào chúng ta cũng không thể ký kết điều ước quốc tế với tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đó được (trừ khi có 1 hiệp ước toàn cầu), nhưng quan trọng hơn là việc các quốc gia thực hiện trao đổi hợp tác thế nào khi đã ký kết, hợp tác, nhất là trong thực tiễn quan hệ quốc tế hiện nay, tùy thuộc vào lý do chính trị, thể chế của mỗi quốc gia khác nhau không phải các quốc gia có thể dễ dàng ký kết với nhau những điều ước quốc tế về hình sự, thì việc để có được đầy đủ, toàn diện các thông tin của các công dân Việt Nam bị các tòa án nước ngoài xét xử trên toàn thế giới thì khó có thể bảo đảm cung cấp được đầy đủ, kịp thời. Mặt khác, khi các quốc gia xét xử công dân Việt Nam phạm tội trên lãnh thổ của quốc gia đó thì chúng ta cũng khó có thể nắm biết được thông tin kịp thời. Thậm chí có nhiều trường hợp ai cũng biết là công dân Việt Nam này đã tòa án nước ngoài xét xử và chịu án tù nhưng do không có thông tin trao đổi chính thức nên không thể cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được. Ví dụ, thời gian vừa qua trên các trang mạng xã hội đều có đưa tin trường hợp diễn viên Hồng Quang Minh, ngày 16/12/2016 đã bị Tòa Thượng thẩm California thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ xử mức án 18 tháng tù giam nhưng do giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp và cũng không có việc cung cấp trao đổi theo nguyên tắc có đi có lại cho trường hợp này cho nên không có thông tin cung cấp từ phía Hoa Kỳ cho Việt Nam.
Hai là: Có nhiều tội danh về hình sự mà pháp luật Việt Nam không có nhưng các nước khác lại có và ngược lại hoặc cùng một hành vi phạm tội nhưng pháp luật các nước lại quy định tội danh khác nhau, không tương thích với nhau. Ví dụ: pháp luật hình sự Hoa Kỳ có quy định “Tội phạm khủng bố”. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 ban đầu quy định chỉ 1 tội danh là “Tội khủng bố”, nhưng trong thực tiễn có nhiều động cơ mục đích khác nhau phản ánh tính chất nguy hiểm của hành vi không giống nhau, nên đã sửa đổi điều luật này. Tại Bộ luật hình sự năm 2015 đã được quy định thành Điều 113. “Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, Điều 299. “Tội khủng bố” và  Điều 300. “Tội tài trợ khủng bố”.
Hoặc một ví dụ khác là tại Cộng hòa Séc tại Điều 204, Bộ luật Hình sự số 40/2009sb có tội danh “Cho trẻ con dùng rượu cồn”, thì Việt Nam ở Bộ luật hình sự năm 2015 không có tội danh này.
Nguyên nhân của tình trạng này là do đặc điểm chính trị, quan điểm cũng như hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về hình sự nói riêng của các nước khác nhau, cho nên pháp luật hình sự của các nước có sự khác biệt, không tương thích, thậm chí xung đột lẫn nhau cả về quy định tội danh cũng như hình phạt chính, hình phạt bổ sung.
Ba là: Qua thực tiễn cho thấy, thông tin của một số quốc gia (Ba Lan và Séc..) cung cấp cho thấy, những hành vi vi phạm chủ yếu của công dân Việt Nam tại một số nước là những vi phạm liên quan đến vi phạm hành chính như vi phạm kiểu dáng hàng hóa, vi phạm đối với tem, thương hiệu và các nhãn hiệu bảo hộ xuất xứ, các biện pháp bổ sung bao gồm: Bồi hoàn tiền, cấm lái xe, tịch thu tài sản, buộc sửa chữa khắc phục hậu quả; về sức khỏe, vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng… Như vậy là Tòa án tại một số nước khi xét xử các hành vi thuộc lĩnh vực về hành chính (theo pháp luật Việt Nam) như đã nêu ở trên, nếu các nước đó có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, thì đều thực hiện cung cấp các bản án đã xét xử đối với hành vi vi phạm do công dân Việt Nam thực hiện tại nước đó cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Những bản án này sau khi xét xử đều được cung cấp cho Việt Nam qua con đường tương trợ tư pháp thì vẫn được lập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 2 khoản 1của Luật Lý lịch tư pháp “Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản” và theo nguyên tắc lý lịch tư pháp chỉ được lập trên cơ sở bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; quyết định của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản đã có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó, qua thống kê thực tế những thông tin đã nhận được cho thấy, những thông tin lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cung cấp chủ yếu liên quan đến lĩnh vực về hành chính, không thuộc phạm vi quản lý lý lịch tư pháp của Luật Lý lịch tư pháp.
Nguyên nhân của tình trạng này là do luật pháp về lý lịch tư pháp các quốc gia có quan niệm và quan điểm về lý lịch tư pháp khác nhau dẫn đến quy định về phạm vi quản lý lý lịch tư pháp cũng khác nhau. Các quốc gia có quan niệm và quan điểm xây dựng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp khác nhau, nhưng nhìn chung trên thế giới có 2 xu hướng quan niệm chính về phạm vi lý lịch tư pháp:
– Thứ nhất: Lý lịch tư pháp chỉ quan tâm tới án tích hình sự của cá nhân. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “criminal record” có ý nghĩa tương ứng với “lý lịch tư pháp“, nhưng phản ánh rất rõ ý nghĩa chỉ ghi nhận những án tích hình sự. Đây là quan niệm có thể thấy trong thể chế lý lịch tư pháp của Nhật Bản, Đài Loan v.v.
– Thứ hai: Đối tượng quan tâm của lý lịch tư pháp không bó hẹp trong án tích hình sự, mà còn được mở rộng tới việc ghi nhớ cả những quyết định cấm hoặc tạm ngừng một quyền nào đó (ví dụ: cấm thành lập doanh nghiệp đối với người đã tuyên bố phá sản doanh nghiệp…). Như vậy, phạm vi lý lịch tư pháp theo xu hướng này bao gồm cả những phán quyết của Tòa án về hình sự, dân sự, hành chính. Đại diện cho xu hướng này là thể chế lý lịch tư pháp của Pháp và Đức v.v.
Tuy vậy, cho dù theo xu hướng nào thì hệ thống quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp bao giờ cũng chỉ hướng đến các bản án, quyết định là kết quả của hoạt động xét xử và mục đích của việc quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp bao giờ cũng nhằm trước hết là phục vụ cho hoạt động xét xử nói riêng và hoạt động tố tụng nói chung. Theo pháp luật của nhiều quốc gia, khái niệm lý lịch tư pháp đều đồng nhất với khái niệm lý lịch hình sự, nói cách khác là lý lịch ghi nhớ các phán quyết về hình sự của Toà án đối với người phạm tội. Luật Lý lịch tư pháp của Việt Nam hiện hành được xây dựng và áp dụng theo quan niệm thứ nhất. Chính vì vậy mà khi Việt nam nhận được các thông tin về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài như các bản án, trích lục bản án, lý lịch tư pháp …của nước ngoài cung cấp thì có rất nhiều các thông tin liên quan đến lĩnh vực hành chính, dân sự…không thuộc phạm vi quản lý của Luật Lý lịch tư pháp.
Bốn là: Ngày nay, tiếng Anh ngày càng phổ biến trong giao dịch quốc tế, vì vậy, một số nước khi xét xử công dân nước ngoài thường có bản án viết bằng tiếng của nước họ đồng thời viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng của công dân người nước ngoài bị xử án. Theo quy định thì đối với những tài liệu bằng ngôn ngữ của nước ngoài, thì phải dịch thuật ra tiếng Việt. Trong trường hợp thông tin lý lịch tư pháp viết bằng tiếng Anh và tiếng của quốc gia sở tại thì phải dịch ra tiếng Việt theo đúng quy định. Tuy nhiên, các thông tin về nhân thân như họ, tên, bố, mẹ, quê quán….không có, không rõ ràng, hoặc có giấy tờ cá nhân kèm theo nhưng lại của các quốc gia đó cấp, ví dụ: Số nhận dạng cá nhân (CH Séc)….Nên việc tra cứu sau này rất khó khăn, khó bảo đảm chính xác.
Do các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài cung cấp rất hạn chế về thông tin nhân thân của công dân Việt Nam. Đa số chỉ cung cấp theo lời khai của đương sự cho nên quê quán, cha mẹ,…rất hạn chế, Ví dụ: chỉ ghi là Ha Nam Ninh, Viet Nam, thông tin về bố, mẹ rất hạn chế….Trong khi không kèm theo được ảnh, vân tay. Bên cạnh đó, các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài khi được dịch và chứng thực ra tiếng Việt thì rất khó xác định chính xác được thông tin về nhân thân do có cách viết và cách nhận biết khác nhau giữa tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Theo tiếng Việt thì viết theo thứ tự từ họ và tên và có dấu nhưng theo tiếng nước ngoài thì lại viết ngược lại và không có dấu. Nhưng theo các bản án, quyết định của Tòa án của nước ngoài thì nhiều khi họ và tên người Việt Nam họ viết rất khó xác định, Ví dụ: Công dân Việt Nam có tên là Nguyễn Trần Hoàng, nhưng theo tiếng nước ngoài thì ghi họ là Nguyen, tên là Tran Hoang. Khó khăn là đối với những tên không có dấu thì đâu là họ, tên thật của đương sự như ví dụ đã nêu và khi tra cứu sẽ rất khó khăn, có thể không tìm ra chính xác người cần tìm.
2. Những bất cập của pháp luật hiện hành về lý lịch tư pháp đối với công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài
Thực tiễn công tác tiếp nhận, lập lý lịch tư pháp cho thấy, việc tham gia ký kết các điều ước quốc tế mới chỉ là bước đầu, tạo nền tảng cho các hoạt động này. Còn việc phối hợp tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả lại đòi hỏi mỗi quốc gia có sự tổ chức, phối hợp, phân công phù hợp. Để thực hiện tiếp nhận, lập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp việc khai thác, sử dụng hiệu quả cần qua nhiều giai đoạn, từ tiếp nhận, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng và thực hiện điều ước quốc tế song phương và đa phương đến phân công, tổ chức thực hiện. Điều này đòi hỏi cần có sự phân công rõ ràng, cụ thể công việc cho các cơ quan có thẩm quyền. Trên thực tế hiện nay tại Việt Nam, các quy định của pháp luật nói chung và Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành nói riêng còn nhiều bất cập, hạn chế cụ thể:
Một là: Cơ sở pháp lý đảm bảo cho hoạt động tiếp nhận, công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài tại Việt Nam chưa chặt chẽ, đầy đủ, thiếu tính đồng bộ. Về lĩnh vực dân sự thì, theo Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định những bản án, quyết định của tòa án nước ngoài được thi hành là: “Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.” (Điểm d Khoản 1 Điều 482) và dành cả 1 chương – chương XXXVI quy định về trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài.
Như vậy, đối với những bản án, quyết định về dân sự của Tòa án nước ngoài muốn được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phải tuân theo trình tự để Tòa án xem xét, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (Điều 438) thì lúc này những bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài mới có hiệu lực thi hành trên lãnh thổ Việt Nam. Công dân cũng có quyền yêu cầu Tòa án không công nhận và cho thi hành những bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Về lĩnh vực hình sự thì hiện nay Luật Tương trợ tư pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định trình tự, thủ tục cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ (Điều 501 Bộ luật Tố tụng Hình sự), chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (Điều 56 Luật Tương trợ tư pháp). Nhưng tất cả các hoạt động từ chối dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù đều phải qua thủ tục là Tòa án Việt Nam xem xét và quyết định thì thực chất đó là việc thi hành theo phán quyết của tòa án Việt Nam, đó là việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam thì điều đương nhiên là lý lịch tư pháp người đó sẽ được lập, cập nhật theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp cụ thể: “Quyết định của Toà án Việt Nam về việc dẫn độ để thi hành án tại Việt Nam; quyết định của Tòa án Việt Nam về việc tiếp nhận chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù” (Khoản 17 Điều 15) là nguồn thông tin lý lịch tư pháp về án tích.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Lý lịch tư pháp thì đối tượng quản lý lý lịch tư pháp bao gồm: “Công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam, Toà án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.” và cụ thể nguồn thông tin lý lịch tư pháp về án tích theo quy định tại Khoản 16 Điều 15 bao gồm: “Trích lục bản án hoặc trích lục án tích của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại” và theo quy định tại Điều 17 thì: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiệm vụ gửi cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia bản sao trích lục bản án, trích lục án tích của công dân Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp….” Như vậy, thông tin về các đối tượng nêu trên chỉ cần được cung cấp qua Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì đã mặc nhiên được được lập lý lịch tư pháp, cập nhật vào sơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và có hiệu lực tại Việt Nam. Tức là được đương nhiên công nhận và cho thi hành bản án, quyết định hình sự của tòa án nước ngoài có hiệu lực đối với công dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam mà không qua một thủ tục pháp lý nào khác là thiếu chặt chẽ, chưa bảo đảm tính pháp lý, đây là một vấn đề cần nghiên cứu, xem xét lại.
Thông thường tại các quốc gia trên thế giới, việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của các Tòa án nước ngoài đã có hiệu lực pháp luật trong lãnh thổ quốc gia đều phải tuân theo một theo một trình tự, thủ tục đặc biệt. Tại một số nước nền lý lịch tư pháp phát triển, đối với công dân nước đó phạm tội tại nước ngoài, thì việc đưa những thông tin án tích của các đối tượng đó chỉ được đưa vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của nước họ trên cơ sở phù hợp về pháp luật hình sự trong nước. Ví dụ như tại Nauy, nếu công dân của Nauy phạm tội ở nước ngoài, được thông báo thì sẽ gửi thông tin đó tới một Ủy ban tư vấn. Ủy ban này sẽ có nhiệm vụ xem xét, nghiên cứu xem theo pháp luật của Nauy có bị coi là có tội hay không và có phải thực hiện ghi chú vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Nauy hay không? Việc thực hiện ghi vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Nauy chỉ trong trường hợp tội đó theo pháp luật Na uy là có tội và phải thực hiện ghi chú vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp[2].
Hai là: Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 26 Luật Lý lịch tư pháp thì, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ Tư pháp lập lý lịch tư pháp trong các trường hợp: “Nhận được bản sao trích lục bản án hoặc trích lục án tích của công dân Việt Nam do Viện kiểm sát nhân dân tối cao cung cấp ..” và cập nhật vào lý lịch tư pháp của đối tượng khi: “ Trường hợp công dân Việt Nam đã có Lý lịch tư pháp mà sau đó có trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người đó do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp…” (khoản 2 Điều 32). Như vậy, công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài đã bị Tòa án nước ngoài kết án được cung cấp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được cung cấp tiếp cho Bộ Tư pháp thì đương nhiên được lập Lý lịch tư pháp, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đến nay vẫn chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xác định trong những trường hợp nào thì lập lý lịch tư pháp, cập nhật vào lý lịch tư pháp đã có trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, trường hợp nào thì không.
Về vấn đề này, theo quy định pháp luật hiện hành của Cộng hòa Liên bang Đức thì, những người Đức phạm tội ở nước ngoài, nếu vẫn còn mang quốc tịch và có hộ khẩu thường trú tại Đức, nếu như tội đó cũng được công nhận tại Đức hoặc tội đó ở cả hai nước đều coi là có tội, thì phải lập lý lịch tư pháp và lưu tại cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Trường hợp tội đó theo quy định của Đức không phải là tội, thì việc ghi vào cơ sở dữ liệu vẫn được thực hiện nhưng ghi chú là không coi là tội và không cung cấp cho các cơ quan khác. Hành vi của công dân Đức bị tòa án nước ngoài kết án cũng có thể bị tòa án Đức áp dụng một hình phạt hoặc một biện pháp tư pháp bắt buộc[2]. Như vậy chúng ta có thể nhận thấy, theo pháp luật về lý lịch tư pháp của Đức và Nauy thì thông tin lý lịch tư pháp của công dân phạm tội ở nước ngoài được cung cấp thì không thể đương nhiên được lập lý lịch tư pháp hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp mà phải qua thủ tục đặc biệt mới được công nhận và chính thức có hiệu lực thi hành trên lãnh thổ và đương nhiên được thực hiện lập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Còn một số trường hợp không được công nhận thì việc ghi vào cơ sở dữ liệu vẫn được thực hiện nhưng ghi chú là không coi là tội và không cung cấp cho các cơ quan khác. Đây là những kinh nghiệm đáng chú ý để chúng ta nghiên cứu để áp dụng cho phù hợp với thực tế Việt Nam.
Ba là: Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 về xóa án tích hiện nay đang theo hướng: “… nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới …” thì mới đủ điều kiện xóa án tích, trừ trường hợp được xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Bộ luật Hình sự cũng như Luật Lý lịch tư pháp hiện nay chưa quy định riêng về điều kiện xóa án tích hay việc thi hành tại Việt Nam của các bản án nước ngoài đối với công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài làm cơ sở xóa án tích cho đối tượng này mà chỉ có quy định chung. Như vậy, thì đối với các đối tượng là công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài mà thong tin được cung cấp theo con đường tương trợ tư pháp hiện hành, sau khi được lập lý lịch tư pháp, cập nhật vào lý lịch tư pháp trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thì điều kiện để xóa án tích cũng phải thực hiện chung theo quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự 2015.
Thực tế, các thông tin lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam do nước ngoài cung cấp cho Việt Nam có liên quan đến các hình phạt hình phạt bổ sung (thậm chí cả hình phạt chính) mà tòa án nước ngoài đã tuyên đối với bị cáo: gồm hình phạt tịch thu tiền, tài sản do phạm tội mà có, cấm đảm nhiệm những chức vụ, công việc… đã thi hành hay chưa thi hành, cũng như những điều kiện để thi hành thì các thông tin đa số đều không cung cấp rõ. Nếu đã lập lý lịch tư pháp hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thì các khoản thi hành hình phạt bổ sung đương nhiên cũng phải là điều kiện phải được tiếp tục thi hành theo pháp luật Việt Nam để làm cơ sở xóa án tích. Tuy nhiên, việc tiếp tục được thực hiện thi hành các hình phạt bổ sung ở Việt Nam thì thực hiện thế nào là cả một một vấn đề phức tạp và rất khó thực thi, ví dụ: bản án của Cộng hòa Séc yêu cầu phải thi hành án là nộp phạt bằng tiền của Séc (Koruna Séc-CZK) thì nay thi hành phạt bằng tiền nào (euro hay VNĐ). Nhưng nếu không thi hành thì không đủ cơ sở để làm thủ tục xóa án tích cho họ. Thực tế là trong tất cả các thông tin của phía nước ngoài không yêu cầu phía Việt Nam phải thi hành tiếp các khoản này.
Về vấn đề này, theo kinh nghiệm của một số nước quy định việc thực hiện xóa án tích do Tòa án thực hiện (Pháp, Bỉ, New Zeand…), ở một số nước khác việc thực hiện xóa án tích do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Đức, Italy…) thì, về cơ bản các quốc gia đều quy định trong trường hợp một phán quyết không được ghi vào lý lịch tư pháp theo quy định, thì phán quyết đó được coi là đủ điều kiện để xóa án tích. Về nguyên tắc, thông tin chỉ được xóa khi người có lý lịch tư pháp đã thực hiện xong hết các nghĩa vụ của mình. Thời hạn xóa án tích sẽ được căn cứ theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc thực hiện các hình phạt bổ sung đa số các quốc gia đều theo nguyên tắc phải thực hiện tất cả bản án bao gồm cả các nghĩa vụ, hình phạt bổ sung…là điều kiện để được xóa án tích. Tuy nhiên, các đa số các quốc gia cho dù việc xóa án tích do tòa án hay cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hoặc gồm cả 2 cơ quan (Pháp) thực hiện, thì điều kiện xóa án tích đều được thực hiện trên cơ sở các nghĩa vụ đã được ghi vào lý lịch tư pháp do tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền phán quyết, công nhận và cho thi hành đối với công dân phạm tội ở nước ngoài.
  1. Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Trong xu hướng mở của, hội nhập quốc tế, việc người nước ngoài nhập cảnh làm ăn, sinh sống tại Việt Nam, trong số đó có những trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và bị Tòa án Việt Nam xét xử là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc quản lý lý lịch tư pháp đối với những đối tượng này như thế nào cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn trong Luật Lý lịch tư pháp. Từ thực tế thực hiện pháp luật lý lịch tư pháp về đối tượng là công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài thời gian qua, chúng tôi mạnh dạn đề xuất sửa Luật Lý lịch tư pháp theo 2 phương án sau:
– Phương án thứ nhất: Các thông tin được tiếp nhận, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thành một phần riêng biệt chỉ có mục đích duy nhất là để phục vụ cho cơ quan tố tụng khi có yêu cầu.
Khi các đối tượng là công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài đã về Việt Nam cần cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không tra cứu, sử dụng các thông tin này. Cơ quan sử dụng cần quan tâm đối với thời gian công dân ở nước ngoài thì yêu cầu công dân xuất trình lý lịch tư pháp của quốc gia đó cung cấp. Phương án này sẽ khắc phục được một số vấn đề đang đặt ra hiện nay như: tình trạng thong tin không đầy đủ, không kịp thời và không cần phải tính đến việc không tương đồng về tội danh cũng như tính pháp lý của thông tin hiện nay.
– Phương án thứ hai: Thông tin lý lịch tư pháp được tiếp nhận, xây dựng chính thức trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp như hiện nay nhưng phải có quy định từ tiếp nhận, công nhận, khai thác, sử dụng chặt chẽ, cụ thể hơn hoặc quy định một chương riêng về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, trong đó quy định cụ thể các vấn đề có tính nguyên tắc như sau:
Một là: Việc ghi vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp của Việt Nam chỉ thực hiện trên cơ sở các hành vi vi phạm của công dân Việt Nam tại nước ngoài cũng được coi là các hành vi vi phạm về hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu quy định theo cách này thì cũng phù hợp với các nguyên tắc xác định án tích để thực hiện việc lập lý lịch tư pháp đối với các trường hợp công dân Việt Nam bị Tòa án tại Việt Nam xét xử, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo chúng tôi thì nên để cho Tòa án xem xét, quyết định hoặc giao cho Viện kiểm sát tối cao chủ trì thành lập hội đồng gồm các cơ quan tố tụng, chuyên gia, luật sư…để xét về mức độ phù hợp, tương ứng, công nhận hay không công nhận cho thi hành tại Việt Nam giống như cách làm của Na Uy, Cộng hòa Liên bang Đức trước khi chuyển cho Bộ Tư pháp xử lý.
Hai là: Tất cả các thông tin vẫn đưa vào cơ sở dữ liệu, nhưng chỉ những trường hợp được công nhận thì mới được coi là chính thức công nhận và cho thi hành tại Việt Nam tức là trường hợp đó mới được lập, cập nhật lý lịch tư pháp. Các thông tin còn lại cũng được đưa vào cơ sở dữ liệu nhưng được quản lý trong một phần riêng để phục vụ cho nhiệm vụ khác khi cần, ví dụ: cơ quan tố tụng cần thông tin..
Ba là: Hiên nay Bộ Luật Hình sự đã quy định xóa án tích, kể cả xóa án tích đương nhiên trong một số loại tội…thì vấn đề xóa án tích cho đối tượng này cũng nên áp dụng nhưng phải những tội danh đã được chuyển đổi, công nhận tương đương…theo pháp luật Việt Nam và trường hợp có vướng mắc thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho đương sự.
Bốn là: về các hình phạt bổ sung thì đối với các thông tin về hình phạt bổ sung không nên công nhận và cho thi hành, chỉ cần ghi vào cơ sở dữ liệu để phục vụ cho cơ quan tố tụng khi có yêu cầu.
Với phương án này sẽ bảo đảm tính pháp lý, chặt chẽ quy định và phù hợp với thực tế khi triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp cũng như phù hợp với xu hướng phát triển lý lịch tư pháp trên thế giới hiện nay.
Qua thực tế thi hành Luật Lý lịch tư pháp cho thấy, lý lịch tư pháp đang ngày càng được xã hội quan tâm và khẳng định vai trò và vị trí trong đời sống xã hội. Để Luật Lý lịch tư pháp ngày càng đi vào cuộc sống, đáp ứng các yêu cầu của tổ chức, xã hội và công dân, với một số các vấn đề đã nêu dưới khía cạnh của công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong thời gian qua, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số vấn đề về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài để được nghiên cứu và sửa đổi để phù hợp với thực tiễn hoạt động cũng như xu hướng phát triển của lý lịch tư pháp trong tương lai.
Nguyễn Văn Thắng – Phòng Tiếp nhận và xử lý thông tin
========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcXóa bỏ thông tin trong lý lịch tư pháp
Bài tiếp theoNgười Việt phạm tội ở nước ngoài có bị pháp luật Việt Nam xử lý?