Bài bào chữa về tội khủng bố

0
1292

Theo yêu cầu của bị cáo và được Quí tòa chấp nhận, tôi nhận bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Vũ, trong vụ án Nguyễn Quốc Quân và các bị cáo hoạt động khủng bố, riêng bị cáo Nguyễn Thế Vũ bị truy tố về tội khủng bố theo Điều 84, khoản 3, Bộ Luật Hình sự với vai trò giúp sức.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, theo dõi sự khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay, tôi đề nghị Quí tòa xem xét cho bị cáo Nguyễn Thế Vũ mấy điểm sau đây:

I/- Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh và mức độ phạm tội của bị cáo

Tuy trước đây thông qua những người chuyển tiền cho gia đình Nguyễn Đức Thuận từ Na Uy về Việt Nam, bị cáo Nguyễn Thế Vũ  có biết Nguyễn Đức Thuận tham gia tổ chức chống đối Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài nhưng bị cáo không biết rõ đó là Đảng Việt Tân như bị cáo đã khai tại cơ quan an ninh điều tra: “Tôi thật sự không hiểu biết gì về tổ chức Đảng Việt Tân và tôi cũng chưa tham gia tổ chức này, cho nên tôi không biết rõ về vị trí vai trò của họ (tức các bị cáo trong vụ án này) như thế nào và cơ cấu tổ chức của đảng này ra sao”. (Bút lục số 72 hồ sơ vụ án).

Còn nội dung các tài liệu bỏ vào các phong bì chuyển cho những người nhận tuy bị cáo Nguyễn Thế Vũ có biết nhưng ở mức độ nghe nói là khiếu kiện và nói xấu chế độ, chỉ sau khi bị bắt được cơ quan an ninh điều tra (CQANĐT) cho đọc bản kết quả giám định nội dung các tài liệu trên thì bị cáo Nguyễn Thế Vũ mới biết một cách cụ thể như bị cáo đã khai nhận: “Nội dung tờ truyền đơn này sau khi bị bắt tôi mới được CQANĐT cho xem và đọc toàn bộ nội dung, còn trước đó tôi chỉ nghe nói là khiếu kiện và nói xấu chế độ. Đến nay tôi mới thấy hết sự nguy hiểm và tác hại của nó. Bản thân tôi thấy ân hận vì đã có tham gia những công việc giúp sức trong việc làm cắt dán in ấn phong bì, tập kết người làm tại nhà tôi để đưa vào phong bì gởi đi”. (Bút lục số 80 hồ sơ vụ án).

Riêng về số tiền 1.000 USD mà Nguyễn Đức Thuận gởi cho bị cáo Nguyễn Thế Vũ để mua bì thư, tem, máy in, giấy in, USB modern, dụng cụ cắt dán giấy, bị cáo Nguyễn Thế Vũ đã xác định rõ: “Thực tế tôi cũng không biết tiền này là của tổ chức đảng việt tân hay là tiền của cá nhân anh Thuận. Tôi chỉ biết anh Thuận khi nhờ tôi làm phong bì giúp anh Thuận, tôi nói là không có tiền thì anh Thuận gởi cho tôi”. (Bút lục số 73 hồ sơ vụ án).

Lúc đầu bản thân bị cáo Nguyễn Thế Vũ đã thấy Nguyễn Đức Thuận làm một việc không bình thường, bị cáo đã sợ và từ chối làm nội dung trong phong bì để gởi đi, nhưng do cả nể tình cảm anh em bà con họ hàng bởi vì cha của Nguyễn Đức Thuận là Nguyễn Đức Thọ là anh ruột của bà Nguyễn Thị Mùi tức là mẹ của bị cáo Nguyễn Thế Vũ, lại thêm Nguyễn Đức Thuận đã hứa cho bị cáo Vũ mượn 3.000 USD để phụ thêm tiền mua nhà của vợ chồng bị cáo Vũ mặc dù cho đến khi bị bắt, bị cáo Vũ chưa nhận được số tiền trên. Ngoài ra bị cáo Vũ đã suy nghĩ đơn giản không lường hết hậu quả nghiêm trọng của việc làm của mình nên đã dẫn bị cáo đến cho phạm tội.

Đối với vụ án này lực lượng công an đã điều tra phát hiện kịp thời và đã bắt giữ tất cả các đối tượng trong vụ án nên những tài liệu phản động đã không gởi được đến những người nhận, do đó hậu quả của vụ án đã đựơc hạn chế rất nhiều.

II/- Đề nghị Quí tòa xem xét và cho bị cáo Nguyễn Thế Vũ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ sau đây:

1- Tình tiết giảm nhẹ thứ nhất: Người phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải được qui định tại Điểm p, khoản 1, Điều 46 Bộ Luật Hình sự. Cụ thể trong bản nhận tội ngày 25/11/2007 gởi cho CQANĐT Bộ Công an bị cáo Nguyễn Thế Vũ đã viết “Qua thời gian làm việc với CQANĐT đã phân tích cho tôi thấy được rằng những công việc mà tôi đã làm trong thời gian qua như mua tem, phong bì, in địa chỉ người nhận, người gởi là một cách gián tiếp tiếp tay cho một thế lực xấu làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Tôi nhận ra rằng những việc làm trên là hoàn toàn sai trái. Trong thời gian qua, tôi cũng đã cộng tác tích cực với cơ quan điều tra và đã tường trình chi tiết đầy đủ những gì mà mình đã biết được.

Tôi xin cam kết sẽ không bao giờ tái phạm những việc làm như trên cũng như những việc làm tương tự có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Nếu tôi phát hiện được những hành động nào của người nào làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia tôi sẽ trình báo với cơ quan công an Việt Nam”. (Bút lục số 97 hồ sơ vụ án).

2- Tình tiết giảm nhẹ thứ hai: Phạm tội do lạc hậu được qui định tại Điểm k, khoản 1, Điều 46 Bộ Luật Hình sự. Lạc hậu ở đây không phải do trình độ văn hóa mà lạc hậu về nhận thức hiểu biết chính trị.

3- Ngoài ra bị cáo Nguyễn Thế Vũ nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, chưa có tiền án, tiền sự, tuổi đời cũng còn trẻ.

Tôi đề nghị Quí Tòa áp dụng Điều 46, khoản 2, coi đây là một tình tiết giảm nhẹ và cho phép bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ này.

Tôi đề nghị Quí tòa áp dụng thêm Điều 47 Bộ Luật Hình sự. điều này qui định: “Khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ qui định tại khoản 1, Điều 46 Bộ Luật Hình sự, Tòa có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã qui định”.

Ở đây bị cáo Nguyễn Thế Vũ bị truy tố về tội khủng bố được qui định tại Điều 84 khoản 3 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù và đây là khung hình phạt nhẹ nhất của Điều 84 Bộ Luật Hình sự.

Nên với 3 tình tiết giảm nhẹ trên đây tôi đề nghị Quí Tòa xem xét và quyết định  mức hình phạt dưới 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo hoặc mức phạt tù bằng thời gian bị cáo đã bị tạm giam.

Xin trân trọng cảm ơn Quí Tòa đã quan tâm theo dõi những lời bào chữa của tôi đối với bị cáo Nguyễn Thế Vũ.

Điều luật tham khảo: Bộ luật hình sự 2015

Điều 84. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

d) Tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án;

đ) Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội.

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư bào chữa – Văn phòng luật sư Dragon

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcKháng cáo quyết định sơ thẩm
Bài tiếp theoThủ tục chuyển sổ đỏ trong trường hợp chủ sở hữu đã mất