Thủ tục cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp

0
346

Tất tần tật thông tin về thủ tục cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp sẽ được chia sẻ ngay sau đây. Mời bạn cùng theo dõi để hiểu hơn về lĩnh vực này nhé!

Việc nhà nước thu hồi đất của cá nhân, hộ gia đình để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, vì mục đích công cộng,… không phải còn xa lạ đối với mọi người.

Tuy nhiên một số cá nhân, gia đình lại cố tình chiếm giữ, không chịu di dời buộc nhà nước phải tiến hành cưỡng chế thu hồi theo đúng quy định của pháp luật. Vấn đề này sẽ được chia sẻ ngay sau đây.

Các trường hợp được phép thu hồi đất theo luật đất đai

Căn cứ vào Luật đất đai năm 2013 do Quốc Hội ban hành ngày 29/11/2013 thì những trường hợp dưới đây được phép thu hồi:

Điều 61: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh gồm các trường hợp cụ thể sau:

– Làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc;

– Xây dựng căn cứ quân sự;

– Xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh;

– Xây dựng ga, cảng quân sự;

– Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh;

– Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân;

– Làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí;

– Xây dựng cơ sở đào tạo, trung tâm huấn luyện, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân;

– Xây dựng nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân;

– Xây dựng cơ sở giam giữ, cơ sở giáo dục do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý.

Điều 62: Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm các trường hợp cụ thể sau:

– Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;

– Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:

Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);
Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia;
Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia; công trình thu gom, xử lý chất thải;
– Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:

Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; công trình di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;
Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;
Dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;
Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
Dự án khai thác khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, trừ trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản.
Điều 64: Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai gồm các trường hợp sau:

– Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm;

– Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;

– Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;

– Đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho;

– Đất được Nhà nước giao để quản lý mà để bị lấn, chiếm;

– Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;

– Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không chấp hành;

– Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

– Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.

Điều 65: Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất có nguy cơ đe dọa tính mạng con người:

– Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;

– Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;

– Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;

– Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;

– Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;

– Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.

Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất

Việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất phải đảm bảo tuân thủ theo những nguyên tắc sau: Phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, đúng trình tự, thủ tục và đảm bảo trật tự, an toàn theo quy định của Pháp luật. Đặc biệt việc thực hiện cưỡng chế phải được thực hiện trong giờ hành chính.

Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định pháp luật

Theo quy định của pháp luật thì việc cưỡng chế thu hồi đất phải đảm bảo những điều kiện dưới đây:

Trường hợp người có đất bị thu hồi mặc dù đã được các cơ quan, tổ chức đoàn thể như Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam cấp xã động viên, thuyết phục nhưng vẫn cố tình chống đối và không chấp hành quyết định thu hồi đất.

Khi quyết định cưỡng chế thu hồi đất đã được công bố công khai, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, một số địa điểm sinh hoạt chung như: trụ sở thôn xóm, nhà văn hóa, văn phòng khu, ấp,… nơi có đất bị thu hồi.

Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.

Khi Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành được giao cho người bị cưỡng chế. Nếu như trường hợp người bị cưỡng chế cố tính không nhận quyết định cưỡng chế hoặc cố tình vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải làm biên bản ghi nhận lại sự việc.

Trình tự thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất

Trình tự thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất được tiến hành theo những bước sau đây:

Bước 1 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế trước khi tiến hành đi cưỡng chế.

Bước 2 Sau khi thành lập Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thì Ban này có trách nhiệm thuyết phục người bị cưỡng chế và những người có liên quan; nếu như họ chấp hành thì Ban sẽ ghi lại biên bản là họ chấp hành và việc bàn giao đất sẽ được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi lập biên bản.

Còn nếu như người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban cưỡng chế sẽ tiến hành cưỡng chế.

Bước 3 Ban thực hiện cưỡng chế phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: Công an, Ủy ban nhân dân xã yêu cầu người bị cưỡng chế và những người liên quan khác phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự di dời tài sản của họ ra khỏi khu đất đó.

Trường hợp những người này không thực hiện di dời thì Ban cưỡng chế sẽ tiến hành di chuyển họ ra khỏi phần đất bị thu hồi. Nếu như khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất mà người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban cưỡng chế phải lập biên bản và giao tài sản cho Ủy ban nhân dân xã bảo quản, thông báo cho chủ sở hữu tài sản được biết.

Người cưỡng chế cũng có quyền khiếu nại việc thu hồi, cưỡng chế thu hồi đất. Tuy nhiên việc cưỡng chế thu hồi đất vẫn sẽ được thực hiện nếu như chưa có quyết định giải quyết khiếu nại.

Vừa rồi là những chia sẻ đầy đủ nhất về việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất nông nghiệp. Việc nắm và hiểu luật sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc sống của bạn.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: [email protected]
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcCó quyền hưởng thừa kế từ chồng cũ?
Bài tiếp theoChi tiết thủ tục giải chấp sổ đỏ mới nhất