Chào anh/chị. Em và người yêu em chung sống như vợ chồng và hiện em đang mang thai con chung của chúng em. Do tai nạn giao thông nên người yêu em đã mất. Đên nay, khi chia thừa kế tài sản của anh, cha mẹ và gia đình anh không chấp nhận cho con em được hưởng thừa kế vì lý do bé chỉ mới thành thai, chưa có tư cách côn dân nên không được hưởng di sản. Anh/chị cho em hỏi, trong trường hợp này con của em có được hưởng thừa kế không ạ? Người yêu em mất không để lại di chúc thì tài sản chia ra sao ạ? Mong được giải đáp!
Chung sống như vợ chồng thì thai nhi có được hưởng thừa kế không?
Theo Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Ngoài ra, theo Điều 660 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc phân chia di sản theo pháp luật như sau:
1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Theo đó, con đã thành thai trước khi người để lại di sản chết được pháp luật công nhận là người thừa kế, và được dành lại một phần di sản bằng với những người thừa kế khác cùng hàng nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra.
Tuy nhiên, do hai bạn chỉ chung sống như vợ chồng nên để con được nhận thừa kế như quy định nêu trên bạn phải thực hiện xác định quan hệ cha con cho con bạn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Thai nhi nhận thừa kế ra sao khi không có di chúc?
Theo Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc áp dujnh thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Căn cứ Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Do người yêu bạn không để lại di chúc khi chết cho nên việc chia tài sản thừa kế sẽ thực hiện theo pháp luật (theo thứ tự hàng thừa kế và quy định khác của pháp luật), trong đó con bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng thừa kế bằng những người thừa kế cùng hàng.
Quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế?
Theo Điều 617 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của người quản lý di sản thừa kế như sau:
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
c) Thông báo về tình trạng di sản cho những người thừa kế;
d) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác;
b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;
c) Bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;
d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.
Vậy, người quản lý di sản thừa kế có các nghĩa vụ nêu trên, bao gồm bảo quản di sản, hông báo về tình trạng di sản, bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại, Giao lại di sản theo thỏa thuận.
Trân trọng!
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino