Mẹ và dượng không kết hôn, các con thừa kế tài sản chung thế nào?

0
361

Mẹ tôi và bố dượng không đăng ký kết hôn, từng mua chung một mảnh đất, do mẹ tôi đứng tên. (Phú Mỹ)

Trước đây, bố dượng có nhà trên thành phố, đã bán và cho các con riêng của ông. Ông muốn mảnh đất mua chung với mẹ, sẽ cho con riêng của mẹ, tức là tôi và em trai.

Sau này, tôi mua thêm mảnh đất bên cạnh, mẹ vẫn đứng tên. Hai anh em tôi bỏ tiền xây hai căn nhà trên hai mảnh đất này.

Giờ, mẹ tôi không muốn xảy ra tranh chấp với con riêng của dượng sau này nên đề nghị ông viết di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho bà. Ông bảo sẽ viết nhưng cứ khất lần.

Giờ mẹ tự sang tên hai mảnh đất đó cho tôi và em trai có được không?

Hai anh em tôi có thể cùng đứng tên trên sổ đỏ không? Và nếu mẹ làm vậy, sau này nếu xảy ra tranh chấp với con riêng của bố dượng, anh em tôi có phải chia đất cho họ?

Theo Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình, nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

Điều 16 quy định quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Với quy định nói trên, quan hệ giữa mẹ bạn và cha dượng của bạn không được coi là quan hệ hôn nhân. Tài sản có được trong thời gian chung sống không phải là tài sản chung vợ chồng.

Theo như bạn trình bày, mẹ bạn và cha dượng mua chung một mảnh đất, do mẹ bạn đứng tên. Như vậy, trên phương diện pháp luật, mẹ bạn là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất, được pháp luật công nhận. Cha dượng không có quyền lợi với thửa đất này.

Trường hợp mẹ bạn có nguyện vọng sang tên (tặng cho) thửa đất cho hai anh em bạn thì có thể liên hệ với tổ chức công chứng nơi có đất để xác lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và đăng ký biến động theo quy định của pháp luật. Hai anh em bạn sẽ cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được cấp.

Đối với thửa đất bạn mua nhưng nhờ mẹ đứng tên, để sang tên sang cho anh em bạn, mẹ bạn và hai anh em bạn cũng thực hiện các thủ tục pháp lý tương tự như đối với thửa đất thứ nhất (thửa đất mẹ bạn mua)

Trường hợp cha dượng chết mà các con của ông ấy có tranh chấp với anh em bạn về di sản thừa kế mà cha họ để lại thì họ phải chứng minh cha họ và mẹ bạn là đồng sở hữu tài sản (quyền sử dụng đất) của thửa đất đó. Việc chứng minh là nghĩa vụ của người có yêu cầu chia thừa kế. Trường hợp không chứng minh được thì mặc nhiên quyền sử dụng thửa đất thuộc về người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: [email protected]
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcNhà được mẹ tặng riêng, có là tài sản chung vợ chồng?
Bài tiếp theoCó quyền hưởng thừa kế từ chồng cũ?