Chào Luật sư, tôi có một câu hỏi muốn hỏi luật sư như sau: Tôi bị một người cạnh phòng trọ hiếp dâm 2 lần và tôi có bằng chứng là đoạn ghi âm kẻ đó nhận tội và cầu xin tôi không kiện cáo. Tôi đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an kèm đoạn ghi âm, tôi cũng nêu rõ tên tuổi quê quán, nơi làm việc và nơi ở hiện tại của kẻ đó.
Vậy cho tôi hỏi sau khi tôi hành vi của người bị tôi tố cáo sẽ bị phạt bao nhiêu năm tù?
Người gửi: Bùi Văn Nam (Thanh Hóa)
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự
Xin chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới Luật Đỗ Gia Việt. Về câu hỏi của bạn, Luật Đỗ Gia Việt xin tư vấn và hướng dẫn cho bạn như sau:
1/ Cơ sở pháp lý
– Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009
2/ Hiếp dâm hai lần cùng một người thì bị phạt bao nhiêu năm tù
Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn cho rằng người cạnh phòng trọ đã hiếp dâm bạn 2 lần. Do đó, để xác định hành vi đó có được xem là hiếp dâm hay không phải căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Hình sự: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Như vậy, nếu người hàng xóm cạnh nhà trọ với bạn có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được hoặc thủ đoạn khác để giao cấu trái ý muốn của bạn thì hành vi đó đã cấu thành tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự, nên người này có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Tuy nhiên, người này đã có hành vi hiếp dâm bạn 02 lần, hành vi của người này đã thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 111 Bộ luật hình sự là phạm tội nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng hình phạt cho người này, người này có thể sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm tù.
Thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, bạn chỉ nói anh ta đã hiếp dâm bạn hai lần và bạn đã có bằng chứng là đoạn ghi âm mà người đó nhận tội và cầu xin không kiện cáo. Chứ không nói đến hành vi của người đó có gây thiệt hại nghiêm trọng nào cho bạn hay không? như làm bạn có thai, hiếp dâm nhiều người nữa chứ không phải mình bạn, có tính chất loạn luân,… hay là thuộc các trường hợp quy định tại Điều 111 Bộ luật Hình sự với các tình tiết tăng nặng khác nhau thì căn cứ vào đó, mức phạt tù của người này sẽ khác nhau:
“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
4. Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.“
Hơn nữa, theo nguyên tắc xử lý khoan hồng của pháp luật Việt Nam, nếu người này thuộc các quy định thuộc tình tiết giảm nhẹ hình phạt theo Điều 46 Bộ luật Hình sự thì người này cũng sẽ được giảm nhẹ hình phạt:
“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.”
Bên cạnh đó pháp luật cũng quy định rõ về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
“Điều 48. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;
h) Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
i) Xâm phạm tài sản của Nhà nước;
k) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
n) Xúi giục người chưa thành niên phạm tội;
o) Có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm.
2. Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.”
Như vậy, căn cứ theo từng hành vi phạm tội cụ thể, cũng như từng thiệt hại, hậu quả có thể xảy ra đối với bạn, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự thì Tòa án sẽ đưa ra mức phạt tù phù hợp với mức độ hành vi mà người đó đã gây ra.
Trên đây là tư vấn của Luật Đỗ Gia Việt về Hiếp dâm hai lần cùng một người thì bị phạt bao nhiêu năm tù?Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino