Quyền bào chữa là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam.
Việc thực hiện tốt các nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo giúp cho các xơ quan tiến hành tố tụng xác định được sự thật khách quan của vụ án, giúp hoạt động TTHS được tiến hành đúng trình tự, đảm bảo việc xét xử công minh, kịp thời, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Trong TTHS, giai đoạn xét xử được coi là giai đoạn trung tâm, nơi mà mọi tình tiết của vụ án được đưa ra đánh giá, xem xét một cách toàn diện và trên cơ sở kết quả tranh tụng giữa luật sư bào chữa và đại diện ciện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, tòa án ra bản án, quyết định tuyên một người có phạm tội hay không.
Giai đoạn xét xử sơ thẩm là một giai đoạn quan trọng trong thủ tục tố tụng tại tòa án. Đối với vụ án hình sự tại phiên tòa sơ thẩm, viện kiểm sát là cơ quan giữ quyền công tố sẽ thực hiện việc buộc tội bị cáo, hội đồng xét xử dựa trên chứng cứ đã được điều tra và dựa vào quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa để có thể đưa ra bản án, quyết định cuối cùng, còn luật sư bào chữa cho bị cáo sẽ thực hiện việc tranh luận đối với các cáo buộc của viện kiểm sát cũng như với phía bị hại.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp thì hiện nay dù 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập được Đoàn luật sư với gần 9.500 luật sư (không tính khoảng 3.500 luật sư tập sự) nhưng chỉ có trên 20% các vụ án hình sự trong cả nước có luật sư tham gia (trừ luật sư chỉ định trong các vụ án hình sự bắt buộc phải có người bào chữa). Đây là một con số rất hạn chế, thể hiện sự bất cập trong việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân:
Trước tiên là hoạt động cấp giấy chứng nhận người bào chữa (GCNNBC) của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 56, Điều 57 Bộ luật TTHS và Điều 27 Luật Luật sư. Khoản 4 Điều 56 Bộ luật TTHS quy định: “Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải xem xét, cấp GCNNBC để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, cơ quan điều tra phải xem xét, cấp GCNNBC để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do”. Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện trên thực tế gặp rất nhiều khó khằn, phiền hà cho luật sư bào chữa bởi thủ tục giao và nhận GCNNBC được thực hiện không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Có cơ quan gửi qua bưu điện nhưng cũng có cơ quan nhất quyết chỉ giao trực tiếp GCNNBC cho luật sư (luật sư phải đến trực tiếp nhận), gây phiền hà, tốn kém cho luật sư nhất là về thời gian không bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật tố tụng. Bên cạnh đó, mặc dù Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật TTHS liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự nhưng nhiều trường hợp, cơ quan điều tra bắt buộc phải có ý kiến nhờ luật sư của người bị tạm giữ, bị can mà không chấp nhận việc nhờ luật sư của gia đình, người thân của họ, trong khi việc tiếp xúc với họ trong trong nhà tạm giữ, trại tạm giam của đại diện gia đình, người thân, luật sư để ghi nhận ý kiến cũng không đơn giản. Chính Luật sư Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã từng phát biểu: “Rất phức tạp! Rất nhiều luật sư kêu ca bị làm khó bởi sau khi được thân nhân bị can nhờ, họ đến đề nghị cấp giấy thì cơ quan điều tra hẹn tới hẹn lui hoặc từ chối thẳng …”.
Ngoài ra, Luật Luật sư cũng đã quy định là GCNNBC có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, tuy nhiên hiện nay ở nhiều nơi, khi kết thúc một giai đoạn tố tụng, hồ sơ vụ án chuyển sang cơ quan tiến hành tố tụng khác thì luật sư lại phải làm thủ tục mới xin cấp GCNNBC (nhất là đối với tòa án).
Thứ hai là việc luật sư tiếp xúc với thân chủ của mình.
Điểm a, b và e khoản 2 Điều 58 Bộ luật TTHS quy định: “Luật sư có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam”…
Thông tư 70/2011/TT-BCA cũng quy định: “Điều tra viên phải giao các quyết định tố tụng liên quan đến người được bào chữa, thông báo cách thức liên lạc của cơ quan điều tra cho luật sư bào chữa; điều tra viên phải thông báo về thời gian, địa điểm lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can cho người bào chữa trước 24 giờ (trước 48 giờ đối với người ở xa);…. Khi người bào chữa có văn bản đề nghị cơ quan điều tra cho gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan điều tra làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm; nếu từ chối cho gặp phải thông báo cho người bào chữa biết bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối”.
Quy định như vậy nhưng trên thực tế, việc luật sư được gặp bị can đang bị tạm giam còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp bị từ chối với lý do điều tra viên đi vắng (do gặp bị can trong giai đoạn điều tra bắt buộc phải có mặt điều tra viên) hoặc thông báo thời gian quá gấp làm cho luật sư bị động không thu xếp được (nhiều trường hợp luật sư ở xa nhận được thông báo hẹn thời gian hỏi cung vào sáng ngày hôm sau). Cũng do Bộ luật TTHS chưa có quy định nào cho phép luật sư gặp riêng thân chủ của mình là người bị tạm giữ, bị can trong trại tạm giam trong giai đoạn điều tra nên việc gặp được hay không hoàn toàn do điều tra viên quyết định.
Thứ ba, Điều 64, 65 và 66 Bộ luật TTHS chỉ quy định về quyền điều tra, thu thập và đánh giá chứng cứ thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng mà không quy định quyền này của luật sư cũng như không đề cập đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của luật sư. Trong nhiều trường hợp, cơ quan điều tra đã không mời luật sư tham gia các hoạt động như khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra…
Thứ tư, một trong những hoạt động quan trọng nhất tại phiên tòa là tranh luận giữa luật sư và kiểm sát viên, Bộ luật TTHS có nhiều quy định đảm bảo cho các bên buộc tội và gỡ tội được tranh tụng bình đẳng mặc dù TTHS Việt Nam không phải là kiểu tố tụng tranh tụng. Điều 210 Bộ luật TTHS cho phép các bên buộc tội và gỡ tội có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu đồ vật, yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bên thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan. Điều 218 Bộ luật TTHS thể hiện rõ nguyên tắc tranh tụng ở việc quy định thủ tục đối đáp trong đó bị cáo có quyền trình bày ý kiến về bản luận tội và đưa ra đề nghị của mình. Điều luật cũng bắt buộc viện kiểm sát phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến. Đây là trách nhiệm của bên buộc tội tại phiên tòa, phải tranh luận toàn diện, đầy đủ, bình đẳng với bên gỡ tội, không được lảng tránh hoặc trả lời một cách áp đặt và thiếu trách nhiệm kiểu như “giữ nguyên quan điểm truy tố” mà không đưa ra lập luận để bảo vệ quan điểm buộc tội của mình. Tuy nhiên trên thực tế tại nhiều phiên tòa, việc tranh luận của luật sư và kiểm sát viên còn nhiều hạn chế, có trường hợp khi đối đáp, viện kiểm sát chỉ cho rằng tranh luận của luật sư là không có căn cứ nên đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận; có trường hợp đại diện viện kiểm sát không chịu đối đáp tranh luận, không ít những kiểm sát viên khi được luật sư đề nghị tranh luận tại phiên tòa về các chứng cứ gỡ tội mà luật sư đưa ra để bào chữa cho bị cáo nhưng kiểm sát viên không đủ lý lẽ để đối đáp với luật sư nên chỉ nói một câu “vẫn giữ nguyên ý kiến”; và trong nhiều trường hợp, chủ tọa phiên tòa cắt ngang lời luật sư khi luật sư đang trình bày đúng trọng tâm vụ án; đặc biệt nội dung tranh tụng của luật sư không được ghi nhận trong bản án (trên thực tế rất ít bản án có ghi ý kiến tranh luận của luật sư).
Những bất cập nói trên ảnh hưởng tiêu cực đến quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo cho thấy nhu cầu phải sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo đảm quyền bào chữa trong Bộ luật TTHS là vô cùng cấp thiết và cũng phù hợp với chiến lược cải cách tư pháp và chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt Nam, trong đó cải cách tư pháp hình sự đang là một trong những nội dung quan trọng của cải cách tư pháp nhằm mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.
Sau hơn mười năm thi hành, Bộ luật TTHS đã bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu sót của các quy định liên quan đến quyền bào chữa trong xét xử sơ thẩm hình sự, do vậy cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng:
Bỏ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa
Quyền bào chữa là một quyền đã được Hiến pháp Việt Nam ghi nhận, chủ thể thực hiện quyền gồm có người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (tự mình bào chữa) và luật sư (tham gia vụ án với tư cách người bào chữa). Luật sư muốn tham gia bào chữa phải được cơ quan tiến hành tố tụng cấp GCNNBC là vô lý, vì đã là quyền thì không thể bị lệ thuộc vào sự đồng ý của một chủ thể khác. Nói như Luật sư Phan Trung Hoài, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì: “…Nên bỏ luôn quy định về việc cấp GCNNBC trong TTHS, bởi không có lý gì khi luật sư thực hiện quyền bào chữa của công dân được Hiến pháp quy định mà lại phải đi xin xỏ các cơ quan tố tụng. Vô lý quá! Ở các nước khác không hề có thủ tục cấp giấy như chúng ta…”.
Khi đã bỏ quy định cấp GCNNBC thì khi luật sư tiếp xúc với thân chủ của mình chỉ cần xuất trình thẻ luật sư, văn bản yêu cầu luật sư của khách hàng (hoặc văn vản chỉ định luật sư) và giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư, cơ quan điều tra phải tạo điều kiện để luật sư gặp thân chủ của mình. Đây chính là một biểu hiện sinh động đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020.
Không được giới hạn số lần gặp cũng như thời gian gặp của luật sư với người bị tạm giam, bị can, bị cáo
Đây là một trong những cản trở lớn nhất trong giai đoạn điều tra, khi luật sư bào chữa không được tiếp xúc riêng tư để trao đổi với thân chủ hay bị hạn chế số lần gặp và thời gian gặp. Bộ luật TTHS cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: Cơ quan điều tra không được gây ra bất kỳ trở ngại nào trong việc luật sư gặp gỡ và tiếp xúc với thân chủ trong trại giam và không giới hạn số lần gặp cũng như thời gian gặp của luật sư với người bị tạm giam, bị can, bị cáo. Quy định này cũng thể hiện sự tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, trong đó có Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam ký kết gia nhập ngày 24/9/1982 đã quy định: “Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây: …(b) Có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn” (điểm b khoản 3 Điều 14).
Hoàn thiện quy định về chứng cứ tại khoản 1 Điều 64 Bộ luật TTHS
Bộ luật TTHS quy định về quyền được đưa ra chứng cứ của bị can, bị cáo thể hiện sự bất bình đẳng giữa bên gỡ tội và bên buộc tội và hạn chế quyền chứng minh sự vô tội của người bị buộc tội. Các Điều 48, 49, 50, 58 quy định về quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa cho thấy luật chỉ cho phép những người này đưa ra, hoặc thu thập tài liệu, đồ vật mà không khẳng định những đồ vật, tài liệu này có phải là chứng cứ hay không? Việc không khẳng định và không cho phép bị can, bị cáo đưa ra chứng cứ do bị hạn chế bởi Điều 64 Bộ luật TTHS về chứng cứ. Theo đó: “Chứng cứ là những gì có thật được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án dùng làm căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội…”. Như vậy, việc thu thập chứng cứ, quyền được thu thập chứng và đánh giá một tài liệu, đồ vật nào đó có phải là chứng cứ hay không phụ thuộc vào ý chí của bên buộc tội gồm cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Việc xếp tòa án vào bên buộc tội mà không phải là một trọng tài với chức năng đánh giá một tài liệu, đồ vật nào đó do các bên buộc tội và gỡ tội đưa ra có phải chứng cứ hay không sẽ dẫn đến tình trạng thiếu khách quan trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ của các cơ quan tiến hành tố tụng khi vì lý do nào đó họ bỏ qua, không ghi nhận và xem xét những tài liệu, đồ vật mà người bị buộc tội và người bào chữa cung cấp. Mặt khác, luật cho phép người bào chữa được thu thập chứng cứ nhưng thiếu hẳn cơ chế, thủ tục để họ thực hiện quyền này. Vấn đề đặt ra ở đây là bên gỡ tội có bị ràng buộc bởi tính hợp pháp của chứng cứ hay không? Để bảo đảm quyền bào chữa, cần quy định rằng tính hợp pháp của chứng cứ chỉ có giá trị ràng buộc đối với bên buộc tội với tư cách đại diện cho nhà nước mà không ràng buộc với bên gỡ tội. Bị can, bị cáo và luật sư có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để thu thập tài liệu, đồ vật. Những tài liệu đồ vật này vẫn được coi là chứng cứ nếu nó có giá trị chứng minh, đặc biệt là chứng minh sự vô tội của của bị can, bị cáo. Do đó, cần sửa đổi quy định về chứng cứ như sau: Chứng cứ là những gì có thật, do các bên buộc tội và gỡ tội đưa ra có giá trị chứng minh có hay không có tội phạm, người phạm tội và các vấn đề khác của vụ án hình sự.
Bỏ quy định xử vắng mặt bị cáo tại khoản 2 Điều 187 Bộ luật TTHS
Khoản 2 Điều 187 Bộ luật TTHS quy định: “Tòa án chỉ có thể xử vắng mặt bị cáo trong những trường hợp sau đây: a) Bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả; b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; c) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ”.
Quy định này là chưa hợp lý, bởi lẽ bị cáo là người bị buộc tội và lời khai của bị cáo đề cập những vấn đề phải chứng minh trong vụ án, cũng như các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, cho nên đây là nguồn chứng cứ quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ vụ án. Do vậy, sự vắng mặt của bị cáo đương nhiên là gây trở ngại cho việc xét xử. Mặt khác, nếu xử vắng mặt bị cáo thì đồng nghĩa với việc tước đi quyền tự bào chữa của họ trong trường hợp bị cáo tự bào chữa mà không nhờ đến luật sư. Nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng, thì phải hoãn phiên tòa để bảo đảm quyền được có mặt tại phiên tòa của họ. Nếu bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng thì tòa án phải quyết định áp giải bị cáo đến phiên tòa vì họ đã vi phạm nghĩa vụ khi được triệu tập. Do vậy, cần bỏ quy định về xử vắng mặt bị cáo tại khoản 2 Điều 187 Bộ luật TTHS.
Bỏ quy định “Nếu người bào chữa vắng mặt tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử” tại Điều 190 Bộ luật TTHS
Điều 190 Bộ luật TTHS quy định về sự có mặt của người bào chữa như sau: “Người bào chữa có nghĩa vụ tham gia phiên tòa. Người bào chữa có thể gửi trước bản bào chữa cho tòa án. Nếu người bào chữa vắng mặt, tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Trong trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt, thì hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa”.
Quy định như vậy là không hợp lý, vì bản án của tòa án là kết quả của việc xem xét đầy đủ, khách quan và toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, những chứng cứ và tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa cũng như kết quả tranh luận giữa luật sư và kiểm sát viên. Nếu xét xử mà không có người bào chữa thì bị cáo sẽ mất chỗ dựa, không thể tự mình tranh luận với kiểm sát viên cũng như chứng minh sự vô tội hay giảm nhẹ trách nhiệm của mình. Do đó, cần phải quy định rõ sự có mặt của luật sư bào chữa là bắt buộc, nếu luật sư vắng mặt thì hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.
Quy định nguyên tắc tranh tụng và hoàn thiện quy định về đối đáp tại Điều 218 Bộ luật TTHS
Bộ luật TTHS được xây dựng trên nền tảng mô hình tố tụng thẩm vấn, tuy chưa quy định tranh tụng là một nguyên tắc, nhưng tinh thần của nguyên tắc này đã được thể hiện trong nhiều quy định của Bộ luật. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” đặt biệt nhấn mạnh đến yếu tố tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng. Đến Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cũng nhấn mạnh vấn đề này. Do đó, cần đưa tranh tụng thành một nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật TTHS, đồng thời làm tư tưởng chủ đạo để sửa đổi, bổ sung các thủ tục, quy định tương ứng trong Bộ luật, nhất là các thủ tục tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự phù hợp với Điều 103 Hiến pháp 2013 “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”.
Nguyên tắc tranh tụng được quy định sẽ giúp quá trình tố tụng diễn ra dân chủ hơn, các quyền con người của cá nhân người phạm tội được bảo đảm; việc buộc tội, gỡ tội rõ ràng, minh bạch. Nguyên tắc này đòi hỏi chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội và chức năng xét xử phải có sự phân định rạch ròi; góp phần hỗ trợ thực hiện quyền bào chữa.
Đồng thời với việc quy định nguyên tắc tranh tụng, cần hoàn thiện quy định về đối đáp tại Điều 218 Bộ luật TTHS. Đoạn thứ ba của Điều 218 Bộ luật TTHS quy định: “Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được kiểm sát viên tranh luận”. Quy định này chưa đáp ứng nguyên tắc tranh tụng trong TTHS cũng như chưa quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó đặt biệt nhấn mạnh đến yếu tố tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng trong hoạt động xét xử. Quy định này cũng chưa ràng buộc trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc đối đáp, tranh luận lại ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Do vậy, cần sửa đổi đoạn thứ ba của Điều 218 thành: “Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng phải đối đáp, tranh luận về tất cả những vấn đề mà tòa án phải xem xét và giải quyết trong bản án”.
LS Huỳnh Trung Trực, Tạp chí Luật sư Việt Nam
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino