Luật sư bào chữa biết rõ người được bào chữa phạm tội giết người nhưng không tố giác tội phạm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

0
227

Luật sư bào chữa biết rõ người được bào chữa phạm tội giết người nhưng không tố giác tội phạm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Cụ thể, tôi nhận thấy đối với vụ án hình sự thì đều có Luật sư bào chữa cho bị cáo. Và tôi thắc mắc là trong trường hợp Luật sư bào chữa biết rõ người được bào chữa phạm tội giết người nhưng không tố giác tội phạm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Trên đây là thắc mắc của anh Đăng Phúc đến từ Thành phố Hà Nội.

Luật sư bào chữa được hiểu như thế nào và bao gồm những ai theo quy định hiện nay?

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về Luật sư bào chữa như sau:

Luật sư bào chữa

1. Luật sư bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

2. Luật sư bào chữa có thể là:

a) Luật sư;

b) Người đại diện của người bị buộc tội;

c) Bào chữa viên nhân dân;

d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Theo đó, Luật sư bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.

Luật sư bào chữa có thể là Luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Hành vi không tố giác tội phạm được quy định như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về không tố giác tội phạm như sau:

Không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

Theo đó, người không tố giác tội phạm là người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác. Người không tố giác tội phạm sẽ chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015.

Tội phạm được phân loại như thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?

Căn cứ Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về phân loại tội phạm như sau:

Phân loại tội phạm

1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và khung hình phạt cho tội danh đó thì tội phạm được phân loại thành tội phạm ít nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng; tội phạm rất nghiêm trọng; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư bào chữa biết rõ người được bào chữa phạm tội giết người nhưng không tố giác tội phạm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về không tố giác tội phạm như sau:

3. Người không tố giác là Luật sư bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà Luật sư bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội giết người như sau:

Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Như vậy, nếu người phạm tội giết người thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 này thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Luật sư bào chữa biết rõ người được bào chữa phạm tội giết người trong trường hợp này nhưng không tố giác tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu người phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 123 này thì thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Đây là tội phạm rất nghiêm trọng. Luật sư bào chữa biết rõ người được bào chữa phạm tội giết người trong trường hợp này nhưng không tố giác tội phạm thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Phòng 6 tầng 14 tòa nhà VIMECO đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Văn phòng luật sư quận Long Biên: Số 24 ngõ 29 Phố Trạm, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Văn phòng luật sư Hải Phòng: Số 102, Lô 14 đường Lê Hồng Phong, Phường Đằng Lâm, Quận Hải An, Hải Phòng.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: [email protected]
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcLuật sư tư vấn về Quyền hạn của Viện kiểm sát trong vụ án hình sự
Bài tiếp theoNgười bào chữa có được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án hình sự hay không? Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm là bao lâu?