Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là Giấy đào tạo nghề) và Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là Giấy bổ sung đào tạo nghề) là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cấp cho các cơ sở, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục, dạy nghề nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý chất lượng dạy nghề, đảm bảo cho hoạt động dạy nghề được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên. Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp.
I. Văn bản quy phạm pháp luật:
– Luật giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 ban hành ngày 27/11/2014, có hiệu lực từ 01/07/2015;
– Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
– Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
II. Đối tượng yêu cầu phải có Giấy đào tạo nghề
1. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng (sau đây gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
2. Cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp (sau đây gọi là cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
III. Điều kiện cấp Giấy đào tạo nghề
1. Đối với đào tạo trình độ sơ cấp
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp được cấp Giấy đào tạo nghề trình độ sơ cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo sơ cấp. Diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 04 m2/chỗ học;
– Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; đối với các nghề yêu cầu về năng khiếu, bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 15 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo;
– Đối với các nghề đào tạo trình độ sơ cấp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài các điều kiện quy định trên, cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp còn phải có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm và duy trì hoạt động đào tạo của các nghề đăng ký hoạt động.
2. Đối với đào tạo trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng
Trường cao đẳng được cấp Giấy đào tạo nghề trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; trường trung cấp được cấp Giấy đào tạo nghề trình độ trung cấp và cơ sở giáo dục đại học được cấp Giấy đào tạo nghề trình độ cao đẳng khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành; phù hợp với cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của bộ, ngành, địa phương.
Trường hợp tên ngành, nghề đào tạo chưa có trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành, trường trung cấp, trường cao đẳng và cơ sở giáo dục đại học phải trình bày luận cứ khoa học về ngành, nghề đào tạo mới; xây dựng bản mô tả ngành, nghề và phân tích công việc của ngành, nghề đó.
– Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo, cụ thể:
+ Có phòng học; phòng thí nghiệm; phòng, xưởng thực hành, thực tập; cơ sở sản xuất thử nghiệm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học theo chương trình đào tạo, quy mô đào tạo của từng ngành, nghề.
+ Diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 5,5 – 7,5 m2/chỗ học.
+ Có đủ thiết bị đào tạo của từng ngành, nghề đào tạo đáp ứng theo danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Trường hợp Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa ban hành danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu của ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì phải bảo đảm đủ thiết bị đào tạo theo quy định trong chương trình đào tạo và tương ứng với quy mô đào tạo của ngành, nghề đăng ký hoạt động.
+ Có thư viện với các phần mềm và trang thiết bị phục vụ cho việc mượn, tra cứu, nghiên cứu tài liệu; có đủ nguồn thông tin tư liệu như sách, giáo trình, bài giảng của các mô đun, tín chỉ, học phần, môn học, các tài liệu liên quan đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập.
+ Có đủ phòng làm việc, khu hành chính và khu hiệu bộ, bảo đảm đáp ứng cơ cấu tổ chức phòng, khoa, bộ môn chuyên môn, bảo đảm diện tích ít nhất là 06 m2/người đối với đào tạo trình độ trung cấp và 08 m2/người đối với đào tạo trình độ cao đẳng.
+ Có các công trình xây dựng phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên.
– Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng ngành, nghề đăng ký hoạt động được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Có đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo; đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình đào tạo, trong đó:
+ Tỷ lệ học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên tối đa là 25 học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực nhân văn, kinh tế và dịch vụ; 20 học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và sức khỏe; 15 học sinh, sinh viên/giáo viên, giảng viên đối với các ngành, nghề có yêu cầu về năng khiếu.
+ Có số lượng giáo viên, giảng viên cơ hữu đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành, nghề đào tạo.
+ Tỷ lệ giáo viên, giảng viên có trình độ sau đại học không ít hơn 15% tổng số giáo viên, giảng viên của trường trung cấp và không ít hơn 30% tổng số giáo viên, giảng viên của trường cao đẳng. Bảo đảm mỗi ngành, nghề giảng dạy trình độ cao đẳng có giảng viên trình độ thạc sỹ trở lên.
+ Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Đối với các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng của trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học tư thục và trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài các điều kiện quy định nêu trên, còn phải có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm và duy trì hoạt động của các ngành, nghề đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
IV. Điều kiện cấp Giấy bổ sung đào tạo nghề
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được cấp Giấy đào tạo nghề phải thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong các trường hợp sau đây:
1. Tăng quy mô tuyển sinh của từng ngành, nghề đào tạo vượt từ 10% trở lên so với quy mô tuyển sinh/năm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
2. Bổ sung ngành, nghề đào tạo (mở ngành, nghề đào tạo mới).
3. Bổ sung hoặc thay đổi trình độ đào tạo hoặc điều chỉnh quy mô tuyển sinh giữa các trình độ đào tạo và giữa các ngành, nghề trong cùng nhóm ngành, nghề.
4. Chia, tách, sáp nhập hoặc có sự thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có liên quan đến nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
5. Chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo đến nơi khác, mà trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo là nơi trực tiếp tổ chức đào tạo.
6. Thành lập phân hiệu mới có tổ chức hoạt động đào tạo.
7. Mở thêm địa điểm đào tạo mới hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động đào tạo ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu.
8. Đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
9. Thôi tuyển sinh hoặc giảm quy mô tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
V. Hồ sơ cấp Giấy đào tạo nghề và Giấy bổ sung đào tạo nghề
V.1. Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
1. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục, hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm:
– Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
– Bản sao quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
– Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và kèm theo các giấy tờ chứng minh;
– Bản sao quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
2. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp được làm bằng tiếng Việt hoặc tiếng Việt và tiếng Anh, bao gồm:
– Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) và quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
– Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và kèm theo các giấy tờ chứng minh;
– Bản sao quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
3. Đối với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm:
– Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
– Bản sao quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
– Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và kèm theo các giấy tờ chứng minh;
– Bản sao điều lệ hoặc quy chế tổ chức, hoạt động.
V.2. Hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp
1. Hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 mục IV, bao gồm:
– Văn bản đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
– Báo cáo các điều kiện bảo đảm đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp kèm theo các giấy tờ chứng minh.
2. Hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong trường hợp quy định tại các khoản 5, 6 và 7 mục IV thực hiện theo quy định sau đây:
– Đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học ngoài hồ sơ theo quy định tại khoản 1 ở trên còn phải bổ sung:
+ Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo khác đối với trường hợp quy định tại khoản 5 mục IV.
+ Văn bản của người có thẩm quyền về việc thành lập phân hiệu mới đối với trường hợp quy định tại khoản 6 mục IV.
– Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và doanh nghiệp đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi đặt trụ sở chính của cơ sở thì ngoài hồ sơ theo quy định tại khoản 1 ở trên còn phải bổ sung:
+ Văn bản của người có thẩm quyền về việc chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo khác đối với trường hợp quy định tại khoản 5 mục IV.
+ Văn bản của người có thẩm quyền về việc thành lập phân hiệu mới đối với trường hợp quy định tại khoản 6 mục IV.
– Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và doanh nghiệp đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi đặt trụ sở chính của cơ sở thì ngoài hồ sơ theo quy định tại khoản 1 ở trên còn phải bổ sung:
+ Bản sao quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; bản sao quyết định bổ nhiệm hoặc công nhận người đứng đầu trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
+ Văn bản của người có thẩm quyền về việc chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu, địa điểm đào tạo khác đối với trường hợp quy định tại khoản 5 mục IV; văn bản của người có thẩm quyền về việc thành lập phân hiệu mới đối với trường hợp quy định tại khoản 6 mục IV.
3. Hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường hợp quy định tại khoản 8 mục IV, bao gồm:
– Văn bản đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
– Bản sao quyết định đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
4. Hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường hợp quy định tại khoản 9 mục IV, bao gồm:
Văn bản đề nghị thôi tuyển sinh hoặc giảm quy mô tuyển sinh đối với các ngành, nghề đã được cấp trong Giấy đào tạo nghề, trong đó làm rõ phương án bảo đảm quyền lợi của giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động; phương án giải quyết tài sản của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định và lộ trình thực hiện.
VI. Trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy đào tạo nghề và Giấy bổ sung đào tạo nghề
1. Thẩm quyền cấp Giấy đào tạo nghề và Giấy bổ sung đào tạo nghề
– Tổng cục Dạy nghề cấp Giấy đào tạo nghề và Giấy bổ sung đào tạo nghề đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học.
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp Giấy đào tạo nghề và Giấy bổ sung đào tạo nghề đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
2. Trình tự thực hiện
Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
– Đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học: gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới Tổng cục Dạy nghề
– Đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp: gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính của cơ sở.
– Trường hợp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại phân hiệu, địa điểm đào tạo khác không cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi đặt trụ sở chính thì gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt phân hiệu, địa điểm đào tạo khác của cơ sở;
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra và thẩm định hồ sơ
Bước 3: Trả kết quả
3. Thời hạn giải quyết
a. Đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học:
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Dạy nghề tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cấp Giấy đào tạo nghề/Giấy bổ sung đào tạo nghề theo quy định; trường hợp không cấp Giấy đào tạo nghề/Giấy bổ sung đào tạo nghề thì trong thời hạn 05 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy đào tạo nghề/ Giấy bổ sung đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề gửi bản sao Giấy đào tạo nghề/Giấy bổ sung đào tạo nghề tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp để thực hiện quản lý theo địa bàn.
b. Đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp:
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và Giấy đào tạo nghề/Giấy bổ sung đào tạo nghề theo quy định; trường hợp không cấp Giấy đào tạo nghề/Giấy bổ sung đào tạo nghề thì trong thời hạn 05 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy đào tạo nghề/Giấy bổ sung đào tạo nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi bản sao Giấy đào tạo nghề/Giấy bổ sung đào tạo nghề về Tổng cục Dạy nghề để theo dõi, quản lý.
4. Lệ phí: Không
ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI
CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT
Giám đốc - Luật sư: Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy: Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino