Bàn về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003

0
570

Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm là một vấn đề quan trọng đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm đã góp phần hạn chế tình trạng kháng nghị tràn lan, chất lượng kháng nghị không ngừng được nâng lên, nội dung kháng nghị đã bám sát với các căn cứ kháng nghị theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm còn quy định chung chung, chưa rõ ràng và chưa thể hiện được bản chất của thủ tục giám đốc thẩm. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp được đề ra năm 2002, trong đó Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới các quy định về thủ tục giám đốc thẩm nói chung và các quy định về kháng nghị giám đốc thẩm nói riêng. Nghị quyết đã nêu rõ: “Từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án”. Như vậy, định hướng hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm nói chung và kháng nghị giám đốc thẩm nói riêng là quy định chặt chẽ căn cứ kháng nghị, nâng cao chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án.

Từ những yêu cầu trên, làm rõ những hạn chế trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng. Từ đó, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về căn cứ kháng nghị nhằm nâng cao hiệu quả kháng nghị giám đốc thẩm, khắc phục kịp thời những sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là một vấn đề rất quan trọng.

1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhưng đến nay chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích chính thức. Vì vậy, chưa có sự thống nhất trong cách hiểu đối với các căn cứ này. Qua tìm hiểu các quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật và các quan điểm nghiên cứu có thể phân tích các căn cứ này như sau:

– Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ

Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa là cơ sở để Tòa án ra bản án, quyết định đúng đắn. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa bao gồm nhiều hoạt động như: kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập tham gia phiên tòa, xem xét vật chứng, công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án khi cần thiết, xét hỏi bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác[1]… Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện được hiểu là việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa được tiến hành không khách quan, vô tư: chỉ chú ý đến các chứng cứ buộc tội nên việc điều tra xét hỏi nhằm thu thập chứng cứ buộc tội hoặc chỉ chú ý đến các chứng cứ gỡ tội nên việc điều tra xét hỏi nhằm thu thập các chứng cứ gỡ tội. Quá tin vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án mà không chú ý đến các chứng cứ được kiểm tra xác minh tại phiên tòa[2], chỉ điều tra xét hỏi để làm rõ trách nhiệm hình sự mà không xét hỏi về trách nhiệm dân sự…Việc điều tra xét hỏi không đầy đủ là trường hợp việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa không đủ để làm sáng tỏ những vấn đề cần phải chứng minh tại Điều 63. Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ có thể do Tòa án không triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia phiên tòa hoặc có triệu tập họ nhưng Hội đồng xét xử không xét hỏi hoặc có xét hỏi nhưng chưa đủ để làm rõ những tình tiết, chứng cứ quan trọng và nếu thiếu những tình tiết, chứng cứ đó thì chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo phạm tội hay không phạm tội[3]. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa nhằm làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, khi áp dụng căn cứ này rất khó để chỉ ra việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ là vi phạm quy định nào của pháp luật. Nếu người kháng nghị chỉ ra được cụ thể vi phạm quy định nào thì lại thuộc căn cứ tại khoản 3, 4 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử” và “Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự”.

Tác giả: ThS. Đinh Văn Đoàn

TÓM TẮT

Bài viết phân tích các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, làm rõ những hạn chế trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm nhằm nâng cao hiệu quả kháng nghị, đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

  • Quyền sửa án của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam – Kinh nghiệm từ một số quốc gia – TS. Đinh Bá Trung & ThS. Huỳnh Quang Thuận

Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm là một vấn đề quan trọng đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm đã góp phần hạn chế tình trạng kháng nghị tràn lan, chất lượng kháng nghị không ngừng được nâng lên, nội dung kháng nghị đã bám sát với các căn cứ kháng nghị theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm còn quy định chung chung, chưa rõ ràng và chưa thể hiện được bản chất của thủ tục giám đốc thẩm. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp được đề ra năm 2002, trong đó Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới các quy định về thủ tục giám đốc thẩm nói chung và các quy định về kháng nghị giám đốc thẩm nói riêng. Nghị quyết đã nêu rõ: “Từng bước hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng quy định chặt chẽ những căn cứ kháng nghị và quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án”. Như vậy, định hướng hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm nói chung và kháng nghị giám đốc thẩm nói riêng là quy định chặt chẽ căn cứ kháng nghị, nâng cao chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, quy định rõ trách nhiệm của người ra kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án.

Từ những yêu cầu trên, làm rõ những hạn chế trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng. Từ đó, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về căn cứ kháng nghị nhằm nâng cao hiệu quả kháng nghị giám đốc thẩm, khắc phục kịp thời những sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là một vấn đề rất quan trọng.

1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhưng đến nay chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích chính thức. Vì vậy, chưa có sự thống nhất trong cách hiểu đối với các căn cứ này. Qua tìm hiểu các quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật và các quan điểm nghiên cứu có thể phân tích các căn cứ này như sau:

– Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ

Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa là cơ sở để Tòa án ra bản án, quyết định đúng đắn. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa bao gồm nhiều hoạt động như: kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập tham gia phiên tòa, xem xét vật chứng, công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án khi cần thiết, xét hỏi bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác[1]… Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện được hiểu là việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa được tiến hành không khách quan, vô tư: chỉ chú ý đến các chứng cứ buộc tội nên việc điều tra xét hỏi nhằm thu thập chứng cứ buộc tội hoặc chỉ chú ý đến các chứng cứ gỡ tội nên việc điều tra xét hỏi nhằm thu thập các chứng cứ gỡ tội. Quá tin vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án mà không chú ý đến các chứng cứ được kiểm tra xác minh tại phiên tòa[2], chỉ điều tra xét hỏi để làm rõ trách nhiệm hình sự mà không xét hỏi về trách nhiệm dân sự…Việc điều tra xét hỏi không đầy đủ là trường hợp việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa không đủ để làm sáng tỏ những vấn đề cần phải chứng minh tại Điều 63. Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ có thể do Tòa án không triệu tập những người tham gia tố tụng đến tham gia phiên tòa hoặc có triệu tập họ nhưng Hội đồng xét xử không xét hỏi hoặc có xét hỏi nhưng chưa đủ để làm rõ những tình tiết, chứng cứ quan trọng và nếu thiếu những tình tiết, chứng cứ đó thì chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo phạm tội hay không phạm tội[3]. Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa nhằm làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, khi áp dụng căn cứ này rất khó để chỉ ra việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ là vi phạm quy định nào của pháp luật. Nếu người kháng nghị chỉ ra được cụ thể vi phạm quy định nào thì lại thuộc căn cứ tại khoản 3, 4 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử” và “Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự”.

– Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án

Tình tiết khách quan của vụ án là những tình tiết có thật diễn ra ngoài ý muốn của con người. Trong quá trình giải quyết vụ án các cơ quan có thẩm quyền phải xác định, làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án, trên cơ sở đó ra kết luận phù hợp với các tình tiết khách quan để giải quyết đúng đắn vụ án. Với căn cứ kháng nghị này các chủ thể có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm phải viện dẫn được các chứng cứ đã được sử dụng để xác định các tình tiết khách quan của vụ án và đối chiếu, so sánh tình tiết khách quan đó với kết luận của bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để tìm ra vấn đề không phù hợp. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án có thể xảy ra ở một trong những trường hợp sau đây[4]: Bản án, quyết định đã không dựa vào những tình tiết có thật của vụ án trong khi những chứng cứ, tài liệu đó đã được điều tra xác minh tại phiên tòa; Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử không xem xét những tài liệu chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Tòa án phải dựa vào đó để kết luận về vụ án; Những tài liệu, chứng cứ chưa được kiểm tra xác minh tại phiên tòa nhưng phản ánh đúng bản chất của vụ án đã xảy ra, cơ quan tiến hành tố tụng đã không thu thập, điều tra làm rõ tài liệu, chứng cứ đó nên bản án, quyết định đã không phản ánh đúng thực tế. Đây là những trường hợp mà kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với các chứng cứ đã được kiểm tra, xác minh tại phiên tòa, không phản ánh đúng bản chất của vụ án. Như vậy, có thể thấy “Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án” là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm khi kết luận đó không đảm bảo các quy định của pháp luật về xem xét đánh giá chứng cứ, vi phạm các nguyên tắc chứng minh được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự.

Khi áp dụng căn cứ này cũng giống như căn cứ tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, sẽ rất khó cho người kháng nghị để có thể chỉ ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đã vi phạm nghiêm trọng điều luật nào. Xét về bản chất thì kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án cũng chính là những vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự trong việc xem xét, đánh giá chứng chứ, nên căn cứ này đã nằm trong nội hàm của căn cứ kháng nghị ở khoản 3 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 “Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử”.

– Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử

Việc xác định như thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự còn nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng: vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là những vi phạm đồng thời dẫn đến hậu quả tước bỏ, làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án[5]. Trong Nghị quyết số 04 /2004/NQ-HĐTP ngày 5/11/2004 Hướng dẫn thi hành một số quy định về “Xét xử sơ thẩm” có hướng dẫn Điều 179 về trả hồ sơ để điều tra bổ sung: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bắt buộc phải tiến hành theo thủ tục tố tụng đó nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, toàn diện”. Tiếp đến, tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử cũng kế thừa cách hướng dẫn tại Nghị quyết 04/2004. Cụ thể: “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Nhìn chung, các định nghĩa trong Nghị quyết 04/2004 và Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC đều xác định vi phạm nghiêm trọng trên cơ sở hành vi của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và hậu quả pháp lý của các vi phạm đó. Cách quy định như vậy là hợp lý, việc xác định vi phạm nghiêm trọng không nên quan niệm máy móc, hình thức các vi phạm mà cần phải tính đến hậu quả pháp lý của các vi phạm này đối với quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, quyền lợi của Nhà nước, đối với việc xác định sự thật khách quan của vụ án, cũng như đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật. Người tiến hành tố tụng có thể thống nhất nhưng cũng có thể có cách đánh giá khác nhau về hậu quả pháp lý của vi phạm pháp luật, đây chính là lý do lý giải vì sao có không ít các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm không được Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận[6].

Bên cạnh đó, tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng việc dùng cụm từ “thủ tục tố tụng” trong căn cứ này là chưa bao hàm hết những vi phạm pháp luật tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án[7]. Thủ tục tố tụng hình sự là trình tự và cách thức thực hiện các hành vi và hoạt động tố tụng hình sự (theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự) đòi hỏi các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng hình sự phải tuân thủ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự[8]. Ngoài thủ tục tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 còn có những quy định mà Tòa án phải tuân thủ trong quá trình xét xử như quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án (thẩm quyền theo sự việc, thẩm quyền theo đối tượng, thẩm quyền theo lãnh thổ) hay quy định về giới hạn xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm, nguyên tắc xét xử, đánh giá chứng cứ… nếu Tòa án vi phạm thì không thể cho rằng đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử được nhưng các vi phạm này vẫn cần phải được kháng nghị giám đốc thẩm để khắc phục kịp thời.

– Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự

Những sai lầm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự có thể là những sai lầm trong việc áp dụng các quy định ở phần chung, phần trách nhiệm hình sự và hình phạt hoặc sai lầm trong việc áp dụng các quy định ở phần các tội phạm, dẫn đến kết án oan sai, bỏ lọt tội phạm, kết án quá nặng hoặc quá nhẹ xâm phạm đến quyền và lợi ích của người bị kết án hoặc những người tham gia tố tụng khác… Căn cứ này rất khó phân biệt với căn cứ kháng nghị tái thẩm, những sai lầm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự dẫn đến những sai lầm trong việc xử lý vụ án. Nếu nhìn vào hậu quả của sai lầm có thể giống với hậu quả do những tình tiết mới làm căn cứ kháng nghị tái thẩm mang lại. Để tránh nhầm lẫn giữa căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm với căn cứ tái thẩm cần phân biệt căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm là những sai lầm do vi phạm pháp luật trong việc lựa chọn quy phạm để áp dụng, đó là những hành vi như không áp dụng điều luật Bộ luật hình sự trong trường hợp cần áp dụng, áp dụng điều luật trong trường hợp không được áp dụng, áp dụng không đúng điều luật cần áp dụng. Trong căn cứ kháng nghị tái thẩm, sai lầm về nội dung không phải do vi phạm pháp luật trong việc lựa chọn quy phạm pháp luật hình sự mà sai lầm do nhận thức, đánh giá không đúng các tình tiết của vụ án[9]. Bên cạnh đó, căn cứ này có mối quan hệ nhân quả với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm tại khoản 2 Điều 273 “Kết luận trong bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án”. Bởi vì những kết luận không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án cũng dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Mặt khác, sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vụ án hình sự không chỉ là những sai lầm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự, mà còn là những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nói chung như luật dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính… Vì vậy, khi Tòa án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác (không phải pháp luật hình sự) thì cũng là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Như vậy, qua phân tích các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm tại Điều 273 có thể nhận thấy: thứ nhất, các căn cứ này được quy định chưa rõ ràng nên khó xác định và khó phân biệt rành mạch với căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Thứ hai, căn cứ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 273 chưa thể hiện rõ tính chất đặc biệt của thủ tục giám đốc thẩm, đó là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật vì có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thứ ba, việc dùng cụm từ “thủ tục tố tụng” trong căn cứ tại khoản 3 Điều 273 “Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử” là chưa bao hàm hết những vi phạm pháp luật tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án[10]. Thứ tư, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 273 “Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự” là chưa đầy đủ, bởi vì bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng nghị vì có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định pháp luật nội dung khác như pháp luật dân sự, ngân hàng, hôn nhân gia đình… Thứ năm, căn cứ tại khoản 3 và khoản 4 Điều 273 chưa được hướng dẫn cụ thể nên khó xác định thống nhất như thế nào là “vi phạm nghiêm trọng” thủ tục tố tụng hình sự và có sự “sai lầm nghiêm trọng” trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

2. Thực trạng áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

– Thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm thời gian qua còn tồn tại một số mặt hạn chế. Trước hết đó là việc phân biệt giữa căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm và căn cứ kháng nghị tái thẩm chưa rõ rõ ràng nên trong một số trường hợp thực tiễn áp dụng gặp khó khăn. Ví dụ: trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn xảy ra vào chiều ngày 15/8/2003, nạn nhân bị giết là chị Nguyễn Thị Hoan. Trong Quyết định số 01/QĐ-VKSTC-V3 ngày 04/11/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội “Giết người”[11] có hai nội dung. Nội dung thứ nhất là chỉ ra những “sai sót” của cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu đối chiếu những “sai sót” được chỉ ra trong quyết định kháng nghị tái thẩm này với các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm thì đây chính là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại khoản 1, 2, 3 Điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự. Nội dung thứ hai của quyết định kháng nghị tái thẩm là chỉ ra tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án. Tuy nhiên, kháng nghị này chỉ áp dụng căn cứ chung là phát hiện tình tiết mới mà không chỉ rõ căn cứ áp dụng cụ thể là khoản nào của Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nên rất khó để xác định người có thẩm quyền đã áp dụng căn cứ nào để kháng nghị tái thẩm trong vụ án trên. Chính vì trong quyết định kháng nghị tái thẩm này vừa chỉ ra những “sai sót” của cơ quan tiến hành tố tụng (nhưng thực chất đó chính là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng – là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm), vừa chỉ ra tình tiết mới nên khi kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thì đã dẫn đến các quan điểm khác nhau. Nguyên nhân là quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm chưa có sự phân định rõ ràng với căn cứ kháng nghị tái thẩm và cũng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền đối với các căn cứ này nên sau khi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị tái thẩm thì đã có rất nhiều quan điểm khác nhau tranh luận về việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay thủ tục tái thẩm đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đối với Nguyễn Thanh Chấn, trong đó có quan điểm cho rằng cần kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chứ không phải tái thẩm[12]. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình xảy ra trên thực tiễn thời gian qua và đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia pháp lý nhưng dường như việc tranh luận là kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm đối với vụ việc này cũng chưa sáng tỏ. Vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cần hoàn thiện căn cứ kháng nghị theo hướng quy định chặt chẽ, rõ ràng để phân biệt giữa căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm với tái thẩm, đồng thời có thể ban hành văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất pháp luật.

– Trong một số trường hợp việc phân biệt rõ ràng giữa các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm tại Điều 273 cũng gặp khó khăn. Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao không có số liệu thống kê về tình hình áp dụng các căn cứ kháng nghị nên tác giả đã tiến hành khảo sát 100 quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để có thể phân tích đánh giá về tình hình áp dụng các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Qua nghiên cứu 100 quyết định này, tác giả nhận thấy trong các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm người có thẩm quyền kháng nghị hầu hết đều không viện dẫn cụ thể các căn cứ kháng nghị tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự, mà chỉ có thể xác định được căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm sau khi nghiên cứu phần “Xét thấy” và phần “Quyết định” trong các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm. Nhưng cũng có những trường hợp rất khó xác định căn cứ kháng nghị mà người có thẩm quyền đã áp dụng là khoản nào của Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự. Ví dụ:  quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 16/QĐ-VKSTC-V3 ngày 07/6/2010 đối với vụ án Tạ Thị Liên phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” [13] không viện dẫn cụ thể căn cứ kháng nghị tại Điều 273. Trong quyết định kháng nghị này người có quyền kháng nghị chỉ phân tích mà không chỉ ra bản án đã vi phạm điều luật nào. Nếu đối chiếu với các căn cứ kháng nghị tại Điều 273 thì có thể có nhiều quan điểm khác nhau về căn cứ đã được áp dụng để kháng nghị trong quyết định này. Có thể đó là khoản 1 Điều 273 “Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa là phiến diện hoặc không đầy đủ”, có thể là khoản 2 “Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án”, nhưng cũng có thể là cả hai căn cứ trên. Bởi vì, việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện, không đầy đủ có thể dẫn đến kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Đối với căn cứ kháng nghị tại khoản 3 và 4 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì các quyết định kháng nghị tuy không viện dẫn cụ thể căn cứ kháng nghị theo Điều 273 nhưng trong phần “Xét thấy” của quyết định kháng nghị đều phân tích và chỉ rõ trong bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đã vi phạm điều luật nào của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.

Cũng qua khảo sát 100 quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định giám đốc thẩm nói trên về việc áp dụng căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự tác giả thu được kết quả như sau: áp dụng căn cứ tại khoản 1 “Việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa là phiến diện hoặc không đầy đủ” là 10/100 chiếm 10 %; áp dụng căn cứ tại khoản 2 “Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án” là 4/100 chiếm 4.0 %; áp dụng căn cứ tại khoản 3 “Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử” là 33/100 chiếm 33 % và khoản 4 Điều 273 “Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự” là 53/100 chiếm 53 %. Như vậy, qua kết quả khảo sát trên, cùng với việc tham khảo kết quả khảo sát về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 của tác giả Phan Thị Thanh Mai khi khảo sát 215 quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định giám đốc thẩm (kết quả căn cứ khoản 1 chiểm 3,72%, khoản 2 chiếm 3,25%, khoản 3 chiếm 8,83 %, khoản 4 chiếm 86,98 %)[14], tác giả nhận thấy việc áp dụng căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm tại Điều 273 không đồng đều. Căn cứ được áp dụng nhiều nhất là căn cứ tại khoản 4 Điều 273, tiếp đến là khoản 3 Điều 273, còn căn cứ tại khoản 1 và 2 Điều 273 ít khi được áp dụng và khi được áp dụng hai căn cứ này thường đi kèm với căn cứ tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 273. Nguyên nhân là do nội dung căn cứ kháng nghị tại khoản 1 và 2 được quy định không rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó áp dụng và suy cho cùng việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án cũng chính là những vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự trong việc chứng minh tội phạm. Bên cạnh đó, việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến những sai lầm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự (căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại khoản 4 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003).

– Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm là có vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng việc hiểu như thế nào là vi phạm nghiêm trọng thì chưa có sự thống nhất. Việc xác định vi phạm pháp luật có nghiêm trọng hay không sẽ quyết định việc người có thẩm quyền kháng nghị hoặc không kháng nghị giám đốc thẩm. Bên cạnh đó, điều này cũng quyết định việc kháng nghị giám đốc thẩm có được Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận hay không. Hiện nay do chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể thế nào là vi phạm pháp luật nên thực tiễn áp dụng chưa có sự thống nhất. Ví dụ: Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2007/HSST ngày 17/1/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương và Bản án hình sự phúc thẩm số 359/HSPT ngày 27/4/2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đều xét xử Nguyễn Thắng Cần cùng đồng bọn về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 2 Điều 281. Sau đó, vì cho rằng bản án của Tòa án cấp phúc thẩm có sai lầm trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra, xét xử lại với lý do hành vi phạm tội của các bị cáo cấu thành tội “Tham ô tài sản” theo Điều 278 Bộ luật Hình sự chứ không phải tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Quyết định giám đốc thẩm số 09/2008/HS-GĐT của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định: “Tuy Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Nguyễn Thắng Cần và đồng bọn không theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, tức là chưa đúng với hành vi khách quan của các bị cáo nhưng về đường lối xét xử là đúng; do đó, việc xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm là không có sai lầm nghiêm trọng” và quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên các bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên[15]. Hay Quyết định giám đốc thẩm số 02/2009/HS-GĐT ngày 9/3/2009 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chấp nhận Kháng nghị số 01/VKSNDTC ngày 10/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án hình sự phúc thẩm số 03/2008/HSPT2 ngày 05/3/2008 của Toà án quân sự Trung ương với lý do: “Mặc dù Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng không đúng Bộ luật hình sự trong việc kết án bị cáo, tuy nhiên mức hình phạt mà Tòa án cấp phúc thẩm quyết định là phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo, nên không cần phải hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại”. Trong các trường hợp này việc đánh giá như thế nào là vi phạm pháp luật nghiêm trọng giữa Viện kiểm sát và Tòa án trong thực tế vẫn còn chưa có sự thống nhất. Việc xác định thế nào là vi phạm pháp luật nghiêm trọng tùy thuộc vào người có thẩm quyền kháng nghị và Hội đồng giám đốc thẩm. Chính vì vậy, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các kháng nghị giám đốc thẩm không được Hội đồng giám đốc thẩm chấp nhận.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm

Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm phải phù hợp với tính chất của giám đốc thẩm. Căn cứ chung để kháng nghị giám đốc thẩm là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Theo đó các căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm được quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 phải cụ thể hóa căn cứ chung. Những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình xử lý vụ án hình sự suy cho cùng cũng là những vi phạm pháp luật hình thức (pháp luật tố tụng hình sự) và pháp luật nội dung (pháp luật hình sự, dân sự…). Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm chỉ cần quy định hai căn cứ là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự và có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật là đã đầy đủ mà không cần quy định căn cứ tại khoản 1 và khoản 2 như hiện nay. Vì vậy, tác giả kiến nghị về sửa đổi căn cứ kháng nghị tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 như sau:

Thứ nhất, bỏ căn cứ kháng nghị tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa là phiến diện hoặc không đầy đủ” và căn cứ kháng nghị tại khoản 2 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án”. Căn cứ kháng nghị tại khoản 1 và khoản 2 Điều 273 được quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với tính chất của thủ tục giám đốc thẩm. Việc kháng nghị giám đốc thẩm theo hai căn cứ này làm cho giám đốc thẩm giống như một cấp xét xử. Vì vậy, để phù hợp với tình thần cải cách tư pháp, tránh việc kháng nghị tràn lan, không có căn cứ và đảm bảo tính chất đặc biệt của thủ tục giám đốc thẩm thì việc bỏ hai căn cứ này là phù hợp.

Thứ hai, sửa căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm tại khoản 3 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử”. Việc dùng cụm từ “thủ tục tố tụng” trong căn cứ này là chưa bao hàm hết những vi phạm pháp luật tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết vụ án. Bộ luật Tố tụng hình sự không chỉ có các quy định về thủ tục tố tụng hình sự mà còn cả các quy định khác. Việc vi phạm nghiêm trọng các quy định này cũng cần kháng nghị giám đốc thẩm để khắc phục. Vì vậy, căn cứ này cần sửa đổi thành “có sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử”.

Thứ ba, sửa đổi căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự” thành “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”. Vì khi giải quyết vụ án hình sự thì còn phải áp dụng các quy định pháp luật nội dung khác ngoài luật hình sự. Vì vậy, nếu có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác dẫn đến sai lầm nghiêm trong trong việc giải quyết vụ án thì cũng là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Như vậy, căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 được sửa đổi như sau:

“Bản án hoặc quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có một trong những căn cứ sau:

1 – Có sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

2 – Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.

Bên cạnh việc sửa căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm như trên thì việc hiểu như thế nào là “có sự vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự” và “có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật” nếu không có hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền sẽ có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Để đảm bảo việc hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật về căn cứ này thì cần có văn bản hướng dẫn chính thức của các cơ quan có thẩm quyền và trong văn bản đó cơ quan có thẩm quyền nên liệt kê các trường hợp được coi là vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự và sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Trên đây là một số kiến nghị mà chúng tôi đưa ra nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm nhằm đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật về căn cứ kháng nghị, hạn chế tình trạng kháng nghị tràn lan, kháng nghị không có căn cứ dẫn đến việc kháng nghị không được chấp nhận, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động kháng nghị giám đốc thẩm trong tố tụng hình sự./.

========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcHiệu lực của di chúc chung vợ chồng
Bài tiếp theoHack Facebook người khác có bị xử lý hình sự?