Hướng dẫn thủ tục nhận cha mẹ con ngoài giá thú

0
717
Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn về thủ tục con nhận cha mẹ, cha mẹ nhận con ngoài giá thú và tải mẫu tờ khai đăng ký.

* Đăng ký nhận cha, mẹ, con ngoài giá thú áp dụng cho các trường hợp:

    + Cha/mẹ/người giám hộ nhận mẹ/cha cho con chưa thành niên;
    + Con đã thành niên xin nhận cha/mẹ.
    + Cha hoặc mẹ xin nhận con chưa thành niên.

 * Điều kiện để đăng ký nhận cha, mẹ, nhận con ngoài giá thú:

– Người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con phải còn sống vào thời điểm đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện, không có tranh chấp giữa những người có quyền, lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ, con.
– Người con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự cũng được làm thủ tục nhận cha, mẹ, con trong trường hợp cha, mẹ đã chết nếu việc nhận cha, mẹ là tự nguyện không có tranh chấp giữa những người có quyền  và lợi ích liên quan đến việc nhận cha, mẹ.
– Nếu cha, mẹ của trẻ chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn, người mẹ để con lại cho người cha và bỏ đi không xác định được địa chỉ, thì người cha làm thủ tục nhận con, không cần phải có ý kiến của người mẹ.
– Trường hợp con sinh ra trước ngày cha, mẹ đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận, thì tên của người cha sẽ được ghi ngay trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của người con mà người cha không phải làm thủ tục nhận con.

* Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, nhận con ngoài giá thú:

1. Người yêu cầu đăng ký cha, mẹ, con điền và nộp mẫu tờ khai 

– Người yêu cầu đăng ký cha, mẹ, con điền và nộp mẫu tờ khai về việc nhận cha, mẹ, con tại tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con.
– Trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự)

  • Tải về Mẫu Tờ khai nhận cha, mẹ, con
2. Người đi đăng ký phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con:
– Bản chính hoặc bản sao Giấy khai sinh của người đ­ược nhận là con (trong tr­ường hợp nhận con); của ngư­ời nhận cha, mẹ (trong trư­ờng hợp xin nhận cha, mẹ).
– Bản chính Chứng minh nhân dân, hộ khẩu của người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con.
– Các giấy tờ, tài liệu, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh giữa người nhận và người đ­ược nhận có mối quan hệ cha, mẹ, con.
– Giấy chứng tử của cha, mẹ trong trường hợp nhận cha, mẹ đã chết.

    Theo Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
– Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2020, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

3. Thời hạn giải quyết và lệ phí:

   – Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, gni vào sổ hộ tịch. Trường hợp cần xác minh có thể kéo dài thêm không quá 5 ngày.
   – Lệ phí: 10.000 đồng

* Một số điểm lưu ý:

– Thẩm quyền đăng ký: UBND cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. UBND huyện nơi cư trú của người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau mà một hoặc cả hai bên thường trú tại Việt Nam.
– Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết.
– Cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào sổ Hộ tịch việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con cho người yêu cầu.
– Bổ sung, cải chính sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh của người con:
+ Căn cứ vào quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con (nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống).
+ Trường hợp sổ đăng ký khai sinh đã chuyển lưu 1 quyển tại UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thì UBND cấp xã thông báo cho UBND cấp huyện để ghi tiếp việc bổ sung. Trường hợp phần khai về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con đã ghi tên người khác, không phải là cha, mẹ đẻ, thì đương sự phải làm thủ tục cải chính theo quy định.

* Kết hợp giải quyết việc đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con

  Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con; Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh; Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con. Trình tự giải quyết được thực hiện theo quy địnhGiấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.

* Đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt:

1. Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
    Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.
2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh không có thông tin về người cha, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.
3. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
4. Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của cha; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.

5. Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam, tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.
    Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình giấy tờ theo quy định và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã; hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm Tờ khai nhận cha, mẹ, con; Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha – con hoặc quan hệ mẹ – con; Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.

* Các văn bản quy định:

  • Luật Hộ tịch 2014
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch
  • Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP
  • Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
========================================================

ĐOÀN LUẬT SƯ HÀ NỘI

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐỖ GIA VIỆT

Giám đốc - Luật sư:  Đỗ Ngọc Anh Công ty luật chuyên:
Hình sự - Thu hồi nợ - Doanh nghiệp – Đất Đai – Trọng tài thương mại – Hôn nhân và Gia đình.
Văn phòng luật sư quận Cầu Giấy:  Tổ 14 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.
Điện thoại: 0944 450 105
Email: luatsudongocanh@gmail.com
Hệ thống Website:
www.luatsungocanh.vn
#luatsubaochua #luatsutranhtung #luatsuhinhsu #luatsudatdai #thuhoino
Bài trướcDịch vụ thành lập công ty Uy tín Trọn Gói Giá rẻ
Bài tiếp theoThủ tục hành chính lĩnh vực nuôi con nuôi